Xử lý bụi lò thép tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Nhiều vấn đề còn khuất tất

Bài 1: Chất thải nguy hại “biến thành” chất thải thông thường

ThienNhien.Net – Là chất thải rất nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người, được các nước trên thế giới quản lý rất nghiêm ngặt, nhưng bụi thép tại Bà Rịa – Vũng Tàu lại trở thành “chất thải không nguy hại”. Sự thiếu quản lý của cơ quan quản lý môi trường và thủ thuật lách luật của các nhà máy thép không những gây thất thu về thuế mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm rất lớn.

Việc coi bụi lò thép là chất thải công nghiệp thông thường không chỉ gây thất thu về ngân sách, tác động xấu đến môi trường mà còn khiến cho người dân không chú ý đề phòng khi tiếp xúc với nguồn chất thải này. Trong ảnh: Bụi lò thép được chất đầy tại nhà máy thép Đồng Tiến.
Bụi lò thép được chất đầy tại nhà máy thép Đồng Tiến

Từ chất thải nguy hại…

Theo Công ty Global Steel Dust (Thụy Sĩ), doanh nghiệp có 40 nhà máy xử lý bụi thép trên thế giới, công nghệ luyện thép lò điện hồ quang sử dụng nguyên liệu đầu vào là phế liệu sắt, thép. Nguồn phế liệu này được thu gom từ nhiều nguồn thải khác nhau như xe ô tô cũ, thiết bị công nghiệp, điện tử… có chứa nhiều tạp chất và các kim loại khác như kẽm, chì, thậm chí cả thủy ngân, asen và nhựa (có chứa hợp chất clo). Khi luyện thép, kim loại nặng sẽ bay hơi, tạp chất hữu cơ sẽ bị cháy cuốn theo khói thải và bị giữ lại ở hệ thống xử lý khí thải. Do đó, thành phần bụi thép có chứa nhiều kim loại nặng độc hại và chất dioxin/furans (sinh ra từ quá trình cháy tạp chất nhựa có chứa clo), trong đó, thành phần kẽm chiếm từ 20-35% khối lượng.

Ở các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đã quy định bụi thép là chất thải nguy hại (CTNH) độc tính cấp 1 mà không cần phải thực hiện việc phân tích, kiểm định thành phần của bụi thép. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã ban hành Thông tư số 12/2011/BTNMT về quản lý chất thải rắn, quy định: “Chất thải rắn có các thành phần nguy hại từ quá trình xử lý khí thải của ngành luyện gang thép, mã số CTNH 05 01 01 là chất thải nguy hại”. Theo đó, các chủ nguồn thải phải thực hiện việc lấy mẫu, phân tích thành phần nguy hại có trong bụi thép theo đúng quy trình kỹ thuật để đối chiếu, so sánh với quy chuẩn Việt Nam 07:2009/BTNMT về ngưỡng CTNH.

Cũng theo Thông tư số 12, “nếu một dòng chất thải phát sinh thường xuyên (có tính chất lặp đi lặp lại một cách tương đối ổn định) từ một nguồn thải có tính chất hoặc thành phần nguy hại lúc vượt ngưỡng, lúc không vượt ngưỡng CTNH tại các thời điểm lấy mẫu khác nhau thì phải phân định chung dòng chất thải đó là CTNH”. Các chuyên gia về môi trường cho rằng, với các quy định như trên, bụi thép được xem là CTNH.

Nguyên liệu của các nhà máy thép trên địa bàn tỉnh có chứa nhiều tạp chất và kim loại, do đó bụi thép có chứa nhiều kim loại nặng và độc hại.
Nguyên liệu của các nhà máy thép trên địa bàn tỉnh có chứa nhiều tạp chất và kim loại, do đó bụi thép có chứa nhiều kim loại nặng và độc hại

… thành chất thải thông thường?

Nhận biết rõ những tác hại về môi trường do bụi thép gây ra, Chính phủ các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan… đã có nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn CTNH này. Theo đó, các nhà máy xử lý bụi thép phải chịu sự quản lý chặt chẽ của chính quyền, cộng đồng thông qua việc lưu giữ, vận chuyển và xử lý tại những cơ sở được cấp giấy phép xử lý loại chất thải độc hại này.

5 năm qua, các hộ dân tại ấp Ngọc Hà, thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành) đã có nhiều đơn khiếu kiện về tình trạng ô nhiễm do bụi từ Nhà máy thép Pomina 2, nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa được xử lý và cũng chưa có cơ quan chức năng nào khuyến cáo hoặc có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Tại Việt Nam hiện có 3 nhà máy chuyên về xử lý bụi lò thép (2 nhà máy tại Thái Nguyên và 1 nhà máy tại Hải Dương) đã được Sở Tài nguyên – Môi trường địa phương cấp giấy phép hành nghề xử lý chất thải. Riêng việc xử lý chất thải có mã số CTNH bụi thép là 05 01 01 xử lý liên tỉnh thì theo quy định phải được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp phép. Thế nhưng, đến thời điểm này, Bộ Tài nguyên – Môi trường chưa cấp phép hành nghề xử lý CTNH đối với mã số 05 01 01 của bụi thép cho bất cứ doanh nghiệp nào.

Mặc dù bụi thép được quy định phải kiểm soát, quản lý nghiêm ngặt nhưng trong thời gian qua, các nhà máy thép trên địa bàn tỉnh đã bán bụi thép cho một số doanh nghiệp dưới hình thức “chất thải công nghiệp thông thường” để vận chuyển ra một số tỉnh phía Bắc, sau đó đưa qua Trung Quốc. Vì vậy, vào tháng 10 và 12-2012, khi lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh và Cảnh sát Môi trường tỉnh tiến hành tạm giữ các tàu vận chuyển bụi thép, lập tức các đơn vị vận chuyển và nhà máy thép đã đưa ra kết quả kiểm định mẫu bụi từ phòng thí nghiệm có thành phần nguy hại nằm dưới ngưỡng QCVN 07:2009/BTNMT. Điều này khiến cho các cơ quan chức năng lúng túng, không đủ cơ sở để xử lý và buộc phải giải phóng tàu.

Vấn đề đặt ra là tại sao trên thế giới, các tổ chức môi trường đều công nhận bụi thép là CTNH, nhưng tại Bà Rịa – Vũng Tàu thì bụi thép lại là “chất thải công nghiệp thông thường”. Và mỗi khi lô hàng bụi thép bị cơ quan chức năng tạm giữ hoặc kiểm tra thì các đơn vị vận chuyển và nhà máy thép chỉ việc đưa kết quả phân tích chứng minh bụi thép có các thành phần nguy hại nằm dưới ngưỡng theo QCVN 07:2009/BTNMT ra là “thoát”?

Đến đây, dư luận đặt vấn đề việc lấy mẫu có tuân thủ đúng quy định hay không? Theo quy định, khi lấy mẫu phải có biên bản lấy mẫu hiện trường, lấy ít nhất 3 mẫu đại diện ngẫu nhiên ở các vị trí khác nhau trong khối chất thải; đơn vị phân tích phải cử cán bộ trực tiếp lấy mẫu tại hiện trường, phòng thí nghiệm phải được công nhận có chức năng phân tích các chỉ tiêu độc hại. Các chỉ tiêu nguy hại đặc trưng trong bụi thép đã được phân tích đủ hay chưa (chỉ tiêu dioxin/furans không được phân tích trong bất cứ mẫu phân tích bụi thép nào),… Tất cả những quy định nêu trên hầu như chưa được cơ quan quản lý môi trường kiểm tra. Đây chính là kẻ hở để các nhà máy thép thực hiện trót lọt việc “biến” bụi thép từ CTNH thành không nguy hại.

Việc “biến” bụi lò thép từ CTNH thành chất thải thông thường mang đến cho các nhà máy thép nhiều cái lợi, trong đó lợi ích lớn nhất là không phải trả chi phí xử lý cho loại CTNH và còn bán được chất thải, tránh đóng phí CTNH lên đến 6 triệu đồng/tấn (theo Luật Bảo vệ môi trường). Điều đáng nói là, việc này không những gây thất thu ngân sách Nhà nước mà còn khiến cho không còn ai chú ý đề phòng độc tính của bụi thép khi tiếp xúc và hậu quả tất yếu sẽ dẫn đến là nguy cơ đe dọa sức khỏe của người dân.

Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 4 nhà máy luyện thép đang hoạt động tại huyện Tân Thành (Pomina 2, Pomina 3, Nhà máy thép Phú Mỹ và Nhà máy luyện phôi Đồng Tiến) đều sử dụng công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang với nguồn nguyên liệu đầu vào là sắt, thép phế liệu nhập khẩu. Theo Sở Tài nguyên – Môi trường, hoạt động của các nhà máy luyện phôi thép này có khối lượng chất thải phát sinh rất lớn. Các vấn đề về môi trường trong quá trình hoạt động vẫn tồn tại, đặc biệt là bụi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí trên diện rộng. Nguyên nhân gây ô nhiễm bụi được xác định: Hệ thống xử lý khí thải không được vận hành hoặc vận hành không đảm bảo hiệu quả. Bụi sau khi thu hồi không quản lý theo đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại.