Hà Giang tìm hướng đột phá cho công nghiệp khoáng sản

010113_TN_quanghagiang
Tuyển quặng sắt tại một điểm mỏ ở Hà Giang-Ảnh; VGP/Quốc Đạt

ThienNhien.Net – Phát triển bền vững và gia tăng giá trị cho công nghiệp khoáng sản là bài toán đặt ra cho chính quyền và doanh nghiệp tỉnh Hà Giang cùng tìm lời giải.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang, hiện ngành khai thác và chế biến khoáng sản chiếm 27% sản lượng công nghiệp, góp phần nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.

Giá trị chưa tương xứng sản lượng

Đến nay, Hà Giang có 54 dự án khai thác và chế biến khoáng sản, trong đó, 44 dự án đã được cấp phép với tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, tập trung vào 4 loại khoáng sản chính là: quặng sắt, antimon, chì – kẽm, sắt và mangan. Tổng sản lượng khai thác và chế biến khoáng sản hàng năm đạt gần 800.000 tấn.

Tuy nhiên, trình độ công nghệ khai thác và chế biến của các doanh nghiệp khoáng sản ở Hà Giang rất lạc hậu, chế biến sâu chưa cao, dẫn tới sản lượng và chất lượng sản phẩm thấp, chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô và gây ô nhiễm môi trường.

Tình trạng nhỏ lẻ trong khai thác và chế biến khoáng sản là do việc cấp phép cho quá nhiều doanh nghiệp, trong đó nhiều nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính và kỹ thuật dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao.

Ngoài ra, các doanh nghiệp chưa quan tâm tới công tác đánh giá trữ lượng nên khi đi vào khai thác, sản lượng và chất lượng quặng thấp, dẫn tới mất phương hướng về quy mô đầu tư và công nghệ phù hợp.

Hiện Hà Giang có hệ thống cơ sở chế biến khoáng sản quy mô nhỏ: 4 nhà máy chế biến antimon với tổng công suất trên 2.600 tấn/năm, 1 nhà máy luyện gang thép 500.000 tấn/năm, 2 nhà máy chế tinh luyện mangan tổng công suất 40.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, chế biến sâu khó khăn là vì tình trạng cấp phép khai thác nhưng không gắn với sản xuất trong một thời gian nên không khuyến khích đầu tư lớn vào công nghệ chế biến. Do đó, quy mô công nghiệp chế biến khoáng sản của Hà Giang còn xa so với tiềm năng.

Đột phá từ công nghệ

Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản được tỉnh Hà Giang xác định là một trong 4 trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế giải đoạn 2011-015. Do vậy, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp then chốt này có nhiều ý nghĩa với chất lượng phát triển kinh tế Hà Giang.

Trong Phương án hiện đại hóa công nghệ công nghiệp khoáng sản đến năm 2015 và tầm nhìn 2025 được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt tháng 9/2012 đã xác định trình độ công nghệ là giải pháp đột phá tạo năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp khoáng sản.

Theo đó, khai thác khoáng sản phải gắn chặt với chế biến sâu để tạo ra sản phẩm cuối cùng trên địa bàn tỉnh với sản lượng lớn, giá thành cạnh tranh trên thị trường. Để cụ thể hóa mục tiêu này, Hà Giang chủ trương lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, quyết tâm cao để tạo đột phá về đầu tư công nghệ hiện đại.

Tuy vậy, điều đó đặt ra yêu cầu về quy hoạch tốt nguồn nguyên liệu, tránh tình trạng nhà máy hiện đại nhưng đắp chiếu vì thiếu nguyên liệu. Bên cạnh đó, Hà Giang cũng phải tính tới khả năng cạnh tranh với các địa phương khác có ngành công nghiệp tương tự.

Đơn cử như lĩnh vực có tiềm năng nhất là luyện thép, để biến tiềm năng quặng thép với hàng trăm triệu tấn thành các loại thép thành phẩm là bài toán có rất nhiều tham số như: nguồn than cốc, nguồn điện, cơ sở giao thông vận tải… Bên cạnh đó, nhân lực là điểm nghẽn khó gỡ nhất đối với Hà Giang. Theo các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến khoáng sản, tìm đủ nhân sự để vận hành nhà máy thực sự là vấn đề lớn ở Hà Giang.

Phương án hiện đại hóa công nghệ công nghiệp khoáng sản đến năm 2015 và tầm nhìn 2025 đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ nút thắt trên đối với công nghiệp khoáng sản Hà Giang. Nhưng để hiện thực hóa lợi thế lớn về khoáng sản và phát triển thành công nghiệp trụ cột cho kinh tế Hà Giang rất cần sự gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp, từ đó hoạch định chiến lược phù hợp, hóa giải những hạn chế.