Vui buồn cùng nghề cứu hộ động vật hoang dã

Bảo vệ động vật hoang dã- Bài 2: Vui buồn cùng nghề cứu hộ động vật hoang dã

ThienNhien.Net – Ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi hiện có tất cả 13 người, trong đó, phía Chi cục Kiểm lâm có 3 người, phụ trách chính trong việc lập hồ sơ nhận, thả thú, cùng với các anh em khác bên tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (War) đi tiếp nhận để cứu hộ các động vật quý hiếm từ trong dân, từ các nguồn nuôi bắt, tiêu thụ trái phép.

Trong số các cán bộ cứu hộ ở đây, người có cách nói chuyện dí dỏm khiến chúng tôi phải bật cười nhiều lần đó là anh Võ A Ly, 33 tuổi. Anh bảo ở đây mỗi ngày nghe tiếng chim hót, vượn kêu riết nên tinh thần anh trẻ trung vậy đó. Ngày thường, anh A Ly tiếp nhận hồ sơ của các con thú, làm những thủ tục hành chính. Tuy Chi cục Kiểm lâm TP.Hồ Chí Minh mới điều anh về Trung tâm hơn nửa năm nay, nhưng anh rất yêu công việc và coi như nơi đây như là ngôi nhà thứ hai luôn ấm cúng và đầy ắp tiếng cười.

Ngồi nhìn qua khung cửa, từng tia nắng cuối ngày xuyên qua vòm lá. Ngoài kia, bầy vượn vẫn hót vang trời. Con gấu chó vẫn đi đi lại lại trong không gian rậm rạp như cánh rừng nhỏ. Anh A Ly trải lòng với chúng tôi về những lần đi cứu hộ gặp những chuyện dở khóc dở cười. Như cách đây 5 tháng, anh A Ly cùng anh em về Bình Dương để tiếp nhận 27 cá thể là Kỳ Đà Vân do Chi cục Kiểm lâm Bình Dương tịch thu được trong dân. Khi anh em xuống tiếp nhận, bà con gia đình đó tụ tập rất đông, ngồi xỏ xiên, nói với các anh những lời rất khó nghe. Chỉ đến khi chính quyền địa phương xuống can thiệp thì sự việc mới êm xuôi.

Động vật hoang dã được thả về thiên nhiên (Ảnh: WAR)
Động vật hoang dã được thả về thiên nhiên (Ảnh: WAR)

Lần khác, các anh đi cứu hộ một con hổ được nuôi nhốt trong nhà dân. Khi các anh xuống tận nhà thì người ta năm lần bảy lượt từ chối với lý do chủ nhà đi vắng. Đến khi gia chủ đồng ý gặp các anh thì họ lại đặt vấn đề tiền nong, hỏi có hỗ trợ phần nào cho họ không khi tịch thu thú quý của họ. Ở quận 10, có người đã nuôi những con công, trĩ, các loài chim quý để làm thú tiêu khiển. Họ rất xót của khi giao nộp toàn bộ các chim quý này cho trung tâm vì các loài này rất đắt tiền.

Các anh cũng rất khó xử vì xưa nay Nhà nước không có chính sách, khoản hỗ trợ nào cho những người nuôi nhốt động vật quý hiếm, dù họ đã tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để mua, nuôi con thú làm thú tiêu khiển. Anh A Ly cười bảo: “Người dân mà biết cảm thông, hiểu và tự động giao nộp cho Trung tâm thì anh em cảm thấy rất nhẹ nhàng, nhưng thường thì người ta phản ứng gay gắt, nhất là khi họ nuôi, nhốt thú trái phép mà bị các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và buộc phải giao nộp thú”. Anh Võ A Ly, nhân viên thuộc Chi cục Kiểm Lâm TP.Hồ Chí Minh nói.

Ông Lê Xuân Lâm, Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi chia sẻ với chúng tôi: “Có lúc, anh em phải ra tới Quảng Ngãi, Nha Trang, có khi đến các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên để cứu hộ. Khi chúng tôi liên lạc thực hiện tuyến bài này thì ông Lâm đang ở Kontum để cứu hộ một con vượn đen má vàng ở vườn quốc gia Chumơrây, tỉnh KonTum, vận động được từ trong dân”. Ông Lâm lý giải, sở dĩ đi xa như vậy là vìTP.Hồ Chí Minh có đủ những điều kiện, khả năng cứu hộ một cách tốt nhất. Diện tích ở đây chỉ có khoảng 4000m2mà hoạt động cứ như một trung tâm vùng, cứu hộ tất cả các nơi. Có điều, muốn cứu hộ những cá thể như: voi, gấu…thì cần những không gian lớn. Nguồn đầu tư cho trung tâm phải ổn định, chứ hiện nay chỉ dựa vào nguồn tài trợ của Anh trong 6 năm qua để phục vụ cho công tác cứu hộ.

Những cán bộ của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi nhấn mạnh: “Mục đích cuối cùng của công tác cứu hộ là đưa các cá thể về lại với thiên nhiên”. Nhớ lại những ngày đầu tiếp nhận công việc này, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ở Củ Chi khi ấy chỉ là khoảnh đất trống, xung quanh toàn là những hố bom, cỏ mọc rậm rạp, một mình, Giám đốc Trung tâm cũng phải chạy đôn chạy đáo cáng đáng rất nhiều việc, vừa tiếp nhận động vật ở các nơi, vừa cứu hộ, chăm sóc, bảo vệ chúng… Để có chỗ cho thú dưỡng thương, ông tận dụng những hố bom sau chiến tranh để nuôi nhốt, cứu chữa các con thú bị thương.

Ông Lê Xuân Lâm nhớ lại: Trong mỗi bữa ăn, những anh em làm ở đây hầu hết đều rất ít ăn thịt động vật. Đối với những cá thể chết, các anh tuân thủ theo quy trình thiêu hủy rất nghiêm ngặt, có đại diện chứng kiến và ghi biên bản. Đối với những con thú bệnh nặng quá thì có thể phải nuôi vĩnh viễn. Như con gấu ngựa bị cụt chân đang nằm lim dim trong chuồng, chân đã bị hoại tử, một con nhím cũng bị cụt chân… Anh em ở đây cũng đã từng cứu hộ thành công nhiều loài động vật quý hiếm như cứu hộ một con báo Hoa Mai từ hộ gia đình ở Long An. Nó được gia đình này mua lại, nuôi nhốt lâu năm. Báo Hoa Mai là loài cực kỳ quý hiếm, được xếp vào loài gần như tuyệt chủng, nằm trong nhóm 1B- Nghị định 32 của Chính phủ, có trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới. Sau khi cứu hộ hai năm, Trung tâm đã trả nó về với thiên nhiên ở vườn quốc gia Cát Tiên- nơi có nhiều loài báo khác sinh sống.

Tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, cứ vài tuần hoặc 1 tháng, có một tình nguyện viên là người nước ngoài trước khi đến Việt Nam du lịch đã đăng ký lịch làm tình nguyện viên chăm sóc các con thú ở trung tâm. Còn ở TP.Hồ Chí Minh thì có sinh viên Phan Nguyễn Minh Thiện- hiện là sinh viên năm thứ ba ngành thú y tiên tiến thuộc Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh từng là sinh viên thực tập ở đây. Những lúc rảnh, Thiện thường vào trung tâm làm tình nguyện viên. Lịch làm việc của anh kín mít: Từ 8 giờ đến 8 giờ 30, anh rửa trái cây, chia cho những chú cầy nhỏ và chim, chuẩn bị 9 trái chuối có kẹp thuốc cho các con vượn bị bệnh, trộn cơm, rau muống, trứng và trái cây cho gấu. 11 giờ anh cho thú ăn, rồi nghỉ trưa. Sau đó, 1 giờ, anh dọn lá trong chuồng của vượn, cho rùa ăn, còn hồ cá của rái cá và cứ hai tuần lại thay nước một lần. Cứ thế, anh loay hoay bận rộn với ngần ấy công việc cũng đã hết ngày. Nhưng điều đọng lại là niềm vui, những kinh nghiệm về ngành học mà Thiện được trải nghiệm, tích lũy.

Sinh viên Phan Nguyễn Minh Thiện bày tỏ: “Những ngày từ trung tâm trở về, chúng tôi rất ít đụng đến thịt động vật trong mỗi bữa ăn. Không hiểu sao mỗi khi ngồi vào bàn ăn, chúng tôi lại nhớ đến ánh mắt đỏ vằn của con vượn bị mất một tai. Vẻ mặt ngây ngô của mấy chú rái cá cứ nhao nhao bu quanh chuồng sắt khi thấy có người lạ. Và nỗi buồn cô quạnh của những con gấu ngựa nằm co ro trong không gian chật chội, tù túng. Giá như ai cũng biết yêu quý và ra sức bảo vệ các con thú như những anh em làm công tác cứu hộ ở đây, thì có lẽ, loài tê giác một sừng Việt Nam tại vườn quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai năm rồi đã không bị tuyệt chủng và ra đi vĩnh viễn. Cá thể cuối cùng của loài cá sấu nước ngọt Sông Hinh đã không phải chết tức tưởi khi bị người ta lấy sợi dây siết cổ cho đến chết. Nếu cứ tiếp tục tàn phá thiên nhiên, săn bắt và sát hại động vật hoang dã, thì những loài thú quý hiếm như hổ Đông Dương, vượn đen má vàng, chà vá chân đen, bầy voi châu Á cũng sẽ dần biến mất khỏi các khu rừng già Việt Nam. Và nguồn tài sản thiên nhiên vô giá sẽ cạn kiệt dần vì chính sự thiếu ý thức của con người”.