Tìm giải pháp cứu rừng tràm

ThienNhien.Net – Cây tràm mất giá đã khiến nông dân Kiên Giang quay lưng với rừng tràm dẫn đến diện tích giảm mạnh. Nhằm “cứu” rừng tràm, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã phối với chính quyền tỉnh Kiên Giang triển khai các biện pháp nhằm nâng cao năng suất là lợi nhuận từ cây tràm, giúp nông dân an tâm SX.

Rừng tràm là hệ sinh thái độc đáo từng bao phủ phần lớn diện tích ở ĐBSCL. Những khu rừng này đặc biệt thích nghi với các vùng đất khó khăn, bị nhiễm phèn nặng ở vùng đồng bằng. Tuy nhiên, do sự gia tăng dân số và nhu cầu nông nghiệp hóa đã làm cho diện tích rừng tràm ngày càng bị thu hẹp. Đặc biệt là những năm gần đây, cây tràm bị rớt giá đã khiến nhiều nông dân đã phá bỏ rừng tràm không thương tiếc.

Gia tăng dân số và nhu cầu nông nghiệp hóa đã làm cho diện tích rừng tràm ngày càng bị thu hẹp. (Ảnh minh họa: sieuthiraovat.net)
Gia tăng dân số và nhu cầu nông nghiệp hóa đã làm cho diện tích rừng tràm ngày càng bị thu hẹp (Ảnh minh họa: kiengiang.com.vn)

Giai đoạn từ năm 2000 trở về trước được coi là thời “vàng son” của cây tràm. Lúc đó tràm được sử dụng nhiều trong xây dựng nhà (làm cừ móng nhà) nên nhu cầu rất lớn, mỗi ha tràm trưởng thành có giá từ 60- 80 triệu đồng. Đã có không ít hộ nông dân ở một số vùng đất chua mặn của tỉnh Kiên Giang thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ cây tràm, thậm chí là tỷ phú trồng tràm.

Hiệu quả kinh tế cao từ cây tràm đã thôi thúc nông dân các huyện An Minh, Vĩnh Thuận, Hòn Đất… đua nhau trồng tràm. Nhưng rồi cừ tràm bị thất sủng, giá gỗ tràm sụt giảm thảm hại, tràm đến tuổi khai thác không bán được khiến nhiều người bị thua lỗ nặng.

Ngay cả những hộ dân ở vùng đệm vườn quốc gia U Minh Thượng, dù đã cam kết phải giữ lại 1 ha tràm trong tổng số 4 ha đất được giao cũng lén lút phá bỏ rừng tràm để chuyển qua trồng lúa. Vì vậy mà diện tích rừng tràm SX ở Kiên Giang ngày một teo tóp dần.

Theo các chuyên gia của GIZ, trước đây nông dân trồng tràm chỉ với suy nghĩ duy nhất là để bán làm cừ nhà. Vì vậy, khi cừ tràm bị khủng hoảng thừa họ không biết phải làm gì. Thực tế với công nghệ hiện nay, gỗ tràm có thể làm ra nhiều sản phẩm như gỗ xẻ, ván ghép, ván nhân tạo MDF… Vì vậy phải tăng cường chế biến thì mới tạo ra giá trị gia tăng cho cây tràm.

Theo các chuyên gia của GIZ, rừng tràm có vai trò quan trọng trong việc duy trì tính đa dạng sinh học, lưu trữ và tái tạo nguồn nước ngọt, hấp thụ cácbon, làm giảm ảnh hưởng của lụt lội và xói mòn, cung cấp gỗ cho xây dựng và chất đốt, cung cấp vật liệu làm đồ thủ công, cung cấp dầu, mật ong, dược thảo và các sản phẩm khác từ rừng.

Ông Chu Văn Cường, cán bộ quản lý dự án GIZ tại Kiên Giang cho biết, nhu cầu thị trường đối với các loại gỗ có giá trị cao như gỗ xẻ và gỗ lạng là rất lớn. Gỗ tràm khá hấp dẫn và phù hợp để SX các sản phẩm có giá trị cao nên luôn có thị trường đầu ra. Tuy nhiên để làm được điều này thì phải có những cây tràm lớn.

Qua nghiên cứu cho thấy, tập quán trước đây của nông dân là trồng tràm với mật độ rất dày (trên 10.000 cây/ha), để tạo ra nhiều cừ tràm nên khích thước cây nhỏ. Vì vậy, cần phải tiến hành kỹ thuật lâm sinh để tăng năng suất và lợi nhuận của các khu rừng tràm SX gỗ tròn.

“Giải pháp GIZ đang thử nghiệm là tạo khoảng cách, tỉa thưa để tạo ra những cây tràm có kích thước lớn, đồng thời loại bỏ đi các cây bị dị tật. Ngoài ra, để rút ngắn chu kỳ canh tác, các chuyên gia cũng thử nghiệm chế độ bón phân đối với cây tràm trên đất phèn. Các thử nghiệm cho thấy, khi được tỉa thưa và bón phân cân đối cây tràm phát triển rất tốt, có thể tạo ra cây gỗ lớn để phục vụ SX đồ gỗ chất lượng cao. Vấn đề còn lại là phải quy hoạch SX, xây dựng nhà máy chế biến để tiêu thụ gỗ tràm, từ đó sẽ mở ra triển vọng mới cho rừng tràm phát triển”, ông Cường cho biết.