Tìm chủ cho rừng

Bài 1: Những nghịch lý

ThienNhien.Net – Theo lý thuyết, đến nay hầu hết diện tích rừng và đất rừng đều đã có chủ, nhưng trên thực tế các chủ rừng đã thực sự làm chủ, gắn bó và phát huy được hiệu quả của vốn rừng, đất rừng hay chưa vẫn còn nhiều chuyện phải bàn và cần có những giải pháp đồng bộ thì rừng mới thực sự có chủ.

Trước áp lực gia tăng dân số, khi nhu cầu về đất sản xuất trở nên bức thiết, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng trở nên nóng bỏng.

Vùng đất tranh chấp ở Thượng Long.
Vùng đất tranh chấp ở Thượng Long (Ảnh: Hoàng Giang)

Chuyện ở một điểm nóng

Dịp gần cuối năm, tôi được anh Trương Xây, Trưởng bộ phận kỹ thuật Hạt Kiểm lâm Nam Đông (Thừa thiên Huế) dẫn đi thăm xã Thượng Long- một trong những điểm nóng về tranh chấp đất rừng. Trời hôm đó nắng đẹp, nhưng chỉ lác đác vài người, chủ yếu là phụ nữ vác gùi ngược về phía núi. Trên các tuyến đường bê tông phẳng lỳ, nhiều thanh niên phóng xe máy vù vù. Chỉ tay về phía quả đồi cách đó không xa, chỗ bị phát quang, chỗ cháy nham nhở, anh Xây cho biết, đó là một trong những điểm đang tranh chấp mà người dân tự phát thu dọn.

Ghé thăm nhà anh Hồ Đức Long, Trưởng ban Mặt trận dân cư thôn 1 gặp lúc vợ chồng anh đều ở nhà. Hỏi chuyện lấn chiếm đất rừng ở đây, anh bộc bạch: Vùng đất tranh chấp vốn là đất luân canh nương rẫy của người dân. Khi Lâm trường Khe Tre (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đông) triển khai trồng rừng theo Dự án 661 người dân đã phản đối, nhưng lâm trường hứa sau khi thu hoạch sẽ trả lại cho dân. Nay rừng đã thanh lý, Nhà nước nên thu hồi đất trả lại cho dân, bởi đa số các hộ tranh chấp hiện nay đều thiếu đất sản xuất. Ngay như gia đình anh Long, có 2 con trai, 1 đã lập gia đình, nhưng chưa thể tách hộ do đất làm nhà thì chưa có, đất ruộng, đất rừng cũng không. Không riêng trường hợp anh Long, ở Thượng Long còn nhiều hộ gia đình mới tách hộ trong 5 năm trở lại đây cũng rơi vào cảnh không có đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Hiện trường vụ phá rừng ở Khe Kiền (Nam Đông).
Hiện trường vụ phá rừng ở Khe Kiền, Nam Đông (Ảnh: Hoàng Giang)

Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Nam Đông, tại Thượng Long có 35 hộ tranh chấp 97 ha đất rừng với BQL rừng phòng hộ Nam Đông. Để giải quyết tình trạng trên, một mặt UBND huyện Nam Đông tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, mặt khác, kiến nghị UBND tỉnh giao lại cho huyện các diện tích sau khi khai thác rừng trồng, đất đang có rừng trồng, đất không có rừng trồng ở những nơi có địa hình ít dốc của BQL rừng phòng hộ để huyện phân bổ cho các hộ gia đình chưa có hoặc thiếu đất sản xuất quản lý, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Tổng diện tích đất huyện Nam Đông đề nghị giao lại lên đến 915 ha; trong đó, có 539 ha rừng trồng đã khai thác như ở Thượng Long…

Hiện trường một vụ khai thác gỗ trái phép.
Hiện trường một vụ khai thác gỗ trái phép (Ảnh: Hoàng Giang)
Kiểm lâm Phú Lộc bắt giữ gỗ vận chuyển trái phép.
Kiểm lâm Phú Lộc bắt giữ gỗ vận chuyển trái phép (Ảnh: Hoàng Giang)

Câu chuyện ở Thượng Long là một thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Có chỗ công khai, có nơi lén lút, dai dẳng.

Những xung đột lợi ích

Trước đây, các diện tích rừng đất lâm nghiệp đều được khoanh vùng giao cho các đơn vị nông, lâm trường quản lý để tránh tình trạng bà con đồng bào các dân tộc đốt, phá rừng làm nương rẫy. Lúc đó, đất trống, đồi trọc nhiều, nhưng trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế còn hạn chế, chủ yếu mang ý nghĩa phong trào. Tôi còn nhớ, vào thập niên 80 của thế kỷ XX, việc trồng rừng chẳng được người dân quan tâm; nhiều nơi dù có dự án trồng rừng hỗ trợ nhưng người dân vẫn chẳng mặn mà. Lúc đó, hưởng ứng phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, lực lượng đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên luôn được huy động; có nơi cán bộ xã phải đi tiên phong nhận trồng rừng để vận động người dân tham gia phong trào.

Kiểm lâm Hương Trà bắt giữ gỗ khai thác trái phép.
Kiểm lâm Hương Trà bắt giữ gỗ khai thác trái phép (Ảnh: Hoàng Giang)
Kiểm lâm Hương Trà thu giữ phương tiện khai thác của lâm tặc.
Kiểm lâm Hương Trà thu giữ phương tiện khai thác của lâm tặc (Ảnh: Hoàng Giang)

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vể việc phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới lâm trường quốc doanh Thừa Thiên Huế, từ năm 2005 tỉnh đã từng bước sắp xếp, tổ chức một số lâm trường thành các công ty lâm nghiệp (gồm Tiền Phong, Phú Lộc, Phong Điền, Nam Hoà) và một số chuyển thành các BQL rừng phòng hộ (gồm A Lưới, Hương Thuỷ, Nam Đông). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Khu bảo tồn Sao La Phong Điền, Vườn quốc gia Bạch Mã, BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân. Các đơn vị được giao quản lý ít thì vài nghìn ha, nhiều lên đến hàng chục nghìn ha, nhưng lực lượng quản lý mỏng nên tình trạng phá rừng khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng diễn ra rất phức tạp. Đơn cử như BQL rừng phòng hộ A Lưới được giao quản lý trên 27 ha rừng, nhưng biên chế chỉ có 22 người và công ty hợp đồng thêm 15 người; Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa được giao quản lý trên 15 nghìn ha, nhưng chỉ có định biên 15 người, hợp đồng 6 người.

Theo ông Phan Văn Nam, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Nam Hoà, lực lượng trên chủ yếu làm nhiệm vụ tổ chức bảo vệ rừng nhưng vẫn chưa đủ. Đây không chỉ là khó khăn của riêng Công ty Lâm nghiệp Nam Hòa mà là thực trạng chung của nhiều đơn vị được giao quản lý diện tích rừng lớn. Theo tính toán của ngành kiểm lâm, với diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh như hiện nay, bình quân mỗi cán bộ kiểm lâm phải quản lý gần 1.000 ha rừng. Đó quả là việc làm quá sức đối với các chủ rừng. Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 10 tháng lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã phát hiện xử lý 724 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu hơn 711 m2 gỗ các loại, phạt tiền gần 1,8 tỷ đồng…

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường đến tháng 6/2012, toàn tỉnh có trên 315 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó các tổ chức quản lý trên 260 nghìn ha, hộ gia đình, cá nhân quản lý trên 51 nghìn ha. Trong khi đó, toàn tỉnh có tới 46 xã miền núi có đông đồng bào sinh sống chủ yếu dựa vào rừng và đất rừng để phát triển sản xuất, chăn nuôi nên sức ép về đất sản xuất ngày càng gia tăng. Đặc biệt, từ khi tỉnh ta tìm được bộ giống cây trồng thích hợp như: keo lá tràm, keo lưỡi mác, keo tai tượng, keo lai… đem hiệu quả kinh tế cao thì chẳng cần phải vận động, hỗ trợ mà đất rừng cứ “đắt như tôm tươi”. Theo tính toán của những người trồng rừng, cứ 1 ha rừng cây keo, chi phí ban đầu khoảng 7-8 triệu đồng, sau từ 5 đến 7 năm cho thu hoạch từ 20 đến 40 triệu đồng/ha. Hiện nay, đầu ra của cây keo hết sức thuận lợi, được các đầu nậu mua ngay tại rừng nên trồng rừng kinh tế càng có sức hấp dẫn với người dân. Chính vì vậy, tình trạng lấn chiếm đất rừng càng trở nên nóng bỏng.

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 140 vụ lấn chiếm đất rừng (chưa kể những hoạt động lén lút, phá mỗi lần một ít nên khó phát hiện và xử lý kịp thời), chủ yếu ở những vùng giáp ranh giữa rừng trồng, nơi làm nương rẫy với rừng tự nhiên, tập trung ở các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc.