Hà Nội “xiết” hoạt động đầu tư, sản xuất gạch ngói nung

ThienNhien.Net  – Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 1.450 lò gạch thủ công. Nhìn chung các lò gạch này sử dụng đất đai không đúng theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân… gây nhiều bất cập.

Thêm nữa, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, công tác quản lý nhà nước về đầu tư, sản xuất gạch ngói nung trên địa bàn TP gặp nhiều khó khăn, thiếu sự thống nhất, phối hợp giữa các sở, ngành, quận huyện, thị xã.

Nhằm quản lý lại tình hình trên, sáng 20/12, Tập thể UBND TP Hà Nội đã có phiên họp thường kỳ xem xét dự thảo Quyết định ban hành Quy định về đầu tư, sản xuất, gạch ngói nung trên địa bàn Hà Nội.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho biết: Qua thực tế kiểm tra rà soát từ năm 2009 đến nay, cho thấy tình trạng sản xuất gạch ngói đất sét nung trên địa bàn TP còn rất nhiều bất cập, đặc biệt việc xóa bỏ sản xuất gạch ngòi nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ Xây dựng và chỉ đạo của UBND Thành phố chưa được các địa phương nghiêm túc thực hiện; vật liệu nung chưa phát triển, chưa đủ để thay thế toàn bộ vật liệu nung truyền thống.

Các lò gạch sử dụng đất đai không đúng theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân…(Ảnh: Hànộimới)
Các lò gạch sử dụng đất đai không đúng theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân…(Ảnh: Hànộimới)

Theo dự thảo, các dự án đầu tư sản xuất gạch, ngói trên địa bàn phải phù hợp với Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Hoạt động sản xuất phải có công nghệ, thiết bị sản xuất đạt trình độ tiên tiến, bảo đảm chất lượng sản phẩm và môi trường sinh thái, khuyến khích các chủ đầu tư lựa chọn đầu tư công nghệ sấy nung sản phẩm bằng lò tuynel liên hoàn với thiết bị sản xuất trong nước. Sản phẩm gạch, ngói phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đáng chú ý, tại dự thảo, các hành vi bị cấm trong sản xuất gạch, ngói là sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất trong phạm vi di tích lịch sử, danh làm thắng cảnh đã được xếp hạng; đất nằm trong phạm vi bảo vệ hành lang các công trình giao thông, cầu, cống, thủy lợi, đê kè, vùng phân lũ, thoát lũ, chậm lũ; đường điện cao thế; đất an ninh quốc phòng vào sản xuất gạch ngói. Các hộ gia đình, cá nhân không được tự ý sản xuất gạch ngói nung bằng nguồn nguyên liệu tận dụng từ đất đào ao, đất hạ cốt ruộng, vườn.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân, trong quá trình đầu tư sản xuất gạch ngói nung phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, có giải pháp bảo đảm môi sinh, môi trường, lập và thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Trong quá trình hoạt động, nếu bụi, khói lò gây thiệt hại đến lợi ích của người sản xuất, trồng trọt, đời sống của nhân dân ở xung quanh, phải tạm ngừng sản xuất, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và đền bù theo thỏa thuận với bị hại. Trường hợp không thỏa thuận được phải căn cứ theo kết quả đánh giá thiệt hại của cơ quan chức năng có thẩm quyền để đền bù. Tổ chức tiêu thụ sản phẩm phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng và phải phù hợp với quy hoạch các địa điểm được phép kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện trên địa bàn TP Hà Nội.

Tham luận tại cuộc họp, ý kiến của Sở Tư pháp cho biết: Sở Xây dựng cần cập nhật thêm Luật Khoáng sản, Nghị định 15 của Chính phủ quy định về vấn đề này để làm căn cứ pháp lý, xây dựng dự thảo cho phù hợp. Mặt khác trong dự thảo cũng cần làm rõ hơn các quy định, thủ tục đầu tư về sản xuất gạch ngói nung.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh kết luận: Đây là văn bản pháp quy nên phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật; theo đó, Sở Xây dựng phải rà soát lại tất cả các luật liên quan và nội hàm điều chỉnh để xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Quy định về đầu tư, sản xuất, gạch ngói nung trên địa bàn Hà Nội chuẩn xác hơn. Trong dự thảo, các vấn đề xử lý vi phạm phải tách ra văn bản riêng. Dự thảo này sẽ trình lại UBND TP Hà Nội xem xét thông qua vào tháng 1/2013.