Sức ép từ dân di cư tự do ở Đắk Nông

ThienNhien.Net – Đắk Nông là tỉnh mới được thành lập, được chia và điều chỉnh địa giới hành chính của tỉnh Đắk Lắk theo Nghị quyết số 22/2003/QH.11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khoá XI trên cơ sở chia tách một số huyện phía Nam của tỉnh Đắk Lắk. Đăk Nông có tổng diện tích tự nhiên 6.513km2, địa hình là vùng đồi lượn sóng, đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa rất tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao… Do có những thuận lợi trên nên cư dân từ nhiều vùng miền, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc đã di cư vào Đăk Nông để làm ăn sinh sống.

Theo số liệu thống kê, tổng số dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh tính từ năm 1996 đến năm 2011 là 22.597 hộ với 105.210 khẩu, trong đó, từ năm 2004 đến năm 2011 là 4.884 hộ với 23.451 khẩu. Như vậy, hàng năm có khoảng 3.000 khẩu đến định cư tại tỉnh Đắk Nông để làm ăn sinh sống. Đặc điểm những hộ gia đình ở các tỉnh khác di cư đến Đắk Nông phần đa là hộ nghèo, đời sống kinh tế nơi ở cũ hết sức khó khăn, thiếu đất sản xuất, nên họ di cư đến Đắk Nông với mong muốn là tìm nơi ở mới có đất sản xuất để thay đổi cuộc sống.

Do ảnh hưởng của việc dân di cư tự do nên tỷ lệ hộ nghèo, đói trên địa bàn tỉnh ngày một gia tăng. Theo báo cáo của UBND tỉnh tính đến cuối năm 2012, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh có 29.155 hộ, chiếm tỷ lệ 24,05%; trong đó hộ nghèo dân tộc kinh 13.641 hộ; dân tộc thiểu số tại chỗ có 6.763 hộ, chiếm 23%; dân tộc thiểu số khác có 8.751 hộ, chiếm 30%. Hộ cận nghèo có 3.338 hộ, chiếm tỷ lệ 2,75%; trong đó hộ cận nghèo dân tộc kinh là 2.479 hộ; dân tộc thiểu số tại chỗ có 305 hộ, dân tộc thiểu số khác có 554 hộ. Các tệ nạn xã hội như: ma túy, mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái phép phổ biến ở vùng đồng bào di cư tự do. Tình trạng mua bán, sang nhượng đất đai trái phép diễn ra khá phổ biến, nhiều nơi xảy ra tranh chấp đất đai giữa dân sở tại với dân di cư tự do, giữa dân di cư tự do với các nông, lâm trường… gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Dân di cư tự do có đặc điểm thường vào các nhánh bìa rừng hoặc vào sâu trong những khu rừng để chặt phá rừng lấy đất sản xuất, đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến rừng tỉnh Đắk Nông ngày một thu hẹp. Theo bản tin của Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông số 86 tháng 1 năm 2012, thì từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước có 26.830 hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, trong đó Đắk Nông có 664 vụ vi phạm (đứng thứ 17 trên toàn quốc). Trong tổng số 664 vụ vi phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, có 302 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá là 204,47 ha (rừng sản xuất chiếm 200,76 ha) trong đó phá rừng làm rẫy là 256 vụ với 173.67 ha (chiếm 85% trong tổng vụ phá rừng trên địa bàn toàn tỉnh). Đối tượng vi phạm chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân với 416 vụ, doanh nghiệp chiếm 18 vụ, các đối tượng khác chiếm 230 vụ. Trọng điểm phá rừng trái pháp luật chủ yếu diễn ra ở các huyện Tuy Đức, Đắk Song – nơi thường xuyên diễn ra chặt phá, lấn chiếm và khai thác rừng trái phép để làm nương rẫy.

Dân di cư tự do chặt phá rừng tại huyện Tuy Đức tỉnh Đắk Nông (Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng online)

Trước thực trạng trên, để tập trung giải quyết tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng phương án, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định như: điều kiện kinh tế xã hội trong vùng đồng bào dân tộc đã có bước phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật: điện, đường, trường, trạm, công trình nước sạch nông thôn được đầu tư nâng cấp. Bên cạnh đó, việc ban hành các các cơ chế chính sách về nhà ở, cho vay vốn sản xuất, đầu tư cơ sở dạy học, khám chữa bệnh, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật… đã làm cho bộ mặt ở nông thôn vùng dân tộc có bước phát triển đáng kể.

Cụ thể, từ năm 1996 đến năm 2011, địa phương đã bố trí ổn định hoạt động sản xuất cho 10.671 hộ/49.342 khẩu đồng bao di cư tự do, riêng giai đoạn 2004 – 2011 đã bố trí, sắp xếp ổn định được 2.298 hộ/12.493 khẩu, trong đó số hộ được hỗ trợ kinh phí để ổn định cuộc sống là 1.097 hộ/6.251 khẩu, kinh phí hỗ trợ 6.251 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp.

Về tình hình giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2004 đến năm 2011, địa phương đã giải quyết cấp đất cho tổng số 3.717 hộ với tổng diện tích 1.202,09ha; trong đó đất ở là 2.296 hộ với diện tích 78,9ha; đất sản xuất là 1.448 hộ với diện tích 1.123,19ha. Chương trình 132: Giao đất ở cho đồng bào 1.778 hộ với diện tích cấp 63,9ha; đất sản xuất 1.266 hộ với diện tích cấp 1.053,19ha. Chương trình 134 đã hỗ trợ đất ở được 518 hộ với diện tích 14,8 ha, kinh phí 122,4 triệu đồng; đất sản xuất đã cấp cho 182 hộ với diện tích là 70 ha; Nhà ở xây dựng mới được 2.531 căn nhà, sửa chữa 2.728 căn nhà với kinh phí thực hiện 37.381 triệu đồng; nước sinh hoạt đã hỗ trợ để gia đình tự đào giếng, xây bể được 1.483 hộ với kinh phí 655 triệu đồng.

Với Chương trình 1592, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 08/01/2010 về việc phê duyệt đề án tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn. Cụ thể, quy mô thực hiện Đề án như sau: cấp đất sản xuất cho 2.330 hộ với diện tích 1.640 ha; hỗ trợ mua công cụ sản xuất cho 179 hộ; học nghề cho 312 người; mua công cụ sản xuất cho lao động đã học nghề 13 người; xuất khẩu lao động 89 người. Hiện nay tỉnh đang triển khai thực hiện cấp đất, xây dựng công trình nước sinh hoạt với kinh phí năm 2012 đã được phân bổ là 18.000 triệu đồng.

Về tình hình thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của đồng bào dân di cư tự do, hiện đã có 14 dự án được lập và phê duyệt với tổng kinh phí được phê duyệt là là 1.048,342 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương là 959,165 tỷ đồng, chiếm 91,5%; ngân sách của địa phương 89,177 tỷ đồng, chiếm 8,5% với mục tiêu sắp xếp cho 8.600 hộ dân. Đến nay, Trung ương đã bố trí cho tỉnh Đắk Nông 268,487 tỷ đồng, đạt 25,6%. Trong 14 dự án đã có 3 dự án đã hoàn thành với tổng kinh phí thực hiện là 78,143 tỷ đồng, còn lại 11 dự án đang được tiếp tục triển khai thực hiện và đã được bố trí 190,344 tỷ đồng.

Nhu cầu kinh phí để hoàn thành 11 dự án vào năm 2015 là 764,057 tỷ đồng. Kết quả sắp xếp dân di cư tự do là từ năm 1996 đến năm 2011 đã bố trí sắp xếp ổn định được 10.671 hộ/49.342 khẩu, đạt 47,2%; trong đó: số hộ được bố trí xen gép và ổn định cuộc sống là 8.373 hộ/36.849 khẩu; số hộ được bố trí sắp xếp vào các dự án quy hoạch tập trung là 2.298 hộ/12.493 khẩu; 03 dự án hoàn thành đã bố trí sắp xếp được 2.732 hộ/12.165 khẩu; cấp đất ở cho 1.097 hộ với tổng diện tích là 43,8 ha, bình quân 400 m2/hộ; cấp đất sản xuất cho 1.097 hộ với tổng diện tích là 1.100 ha, bình quân 01ha/hộ. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh còn 11.926 hộ/55.868 khẩu chưa được bố trí sắp xếp.

Theo Kế hoạch từ nay đến năm 2015 sẽ bố trí sắp xếp cho toàn bộ số hộ còn lại, trong đó bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ cho 7.155 hộ/33.520 khẩu, chiếm 60%, còn lại 4.771 hộ/22.384 khẩu dự kiến sẽ bố trí vào các dự án quy hoạch tập trung.

Mặc dù nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương và địa phương nhưng ảnh hưởng của việc dân di cư tự do nên tỷ lệ hộ nghèo, đói vẫn còn cao, hiện trạng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu như các công trình thủy lợi đến thời điểm hiện nay mới chỉ đảm bảo phục vụ tưới cho 54% diện tích cây trồng có nhu cầu cần được tưới.

Hiện trên toàn tỉnh có 213 công trình nước sạch cung cấp cho khoảng 15.360 hộ dân. Tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 73,39%, một số vùng dân cư vẫn sử dụng nước khe, suối không hợp vệ sinh. Đối với đường liên xã tỷ lệ đường đất vẫn còn chiếm 70%. Hệ thống giao thông nông thôn ở các thôn, bon, buôn đã được thực hiện xây dựng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm nên đã nhựa hóa được 16%, còn 84% là đường đất; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, nhưng một số xã đi lại trong mùa mưa còn rất khó khăn.

Đối với hệ thông giáo dục, dự kiến đến năm 2020, địa bàn vùng nông thôn còn thiếu khoảng 20 nhà trẻ, mẫu giáo 21 trường, mầm non 20 trường với 469 phòng, tiểu học 22 trường với 887 lớp học, trung học cơ sở 14 trường với 487 lớp học. Đối với hệ thống y tế trên toàn tỉnh, có 257 bác sỹ với 4,5 bác sỹ /vạn dân; tổng số cán bộ y tế 1.987 người với 35,3 cán bộ /vạn dân; hiện có 52 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Tuy vậy, cơ sở vật chất ở các tuyến còn nhiều khó khăn, thiếu y bác sỹ, tỷ lệ thiếu y bác sỹ trên số dân còn chiếm tỷ lệ thấp…

Nhằm đảm bảo cuộc sống cho dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến Đắk Nông có cuộc sống ổn định hơn, thiết nghĩ, cần có sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai các dự án quy hoạch, sắp xếp ổn định dân di cư tự do. Tỉnh cần có cơ chế chính sách thu hút các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông giàu tiềm năng chưa được đầu tư khai thác. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần giải quyết, ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân di cư tự do và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới.