Lào Cai tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Trước thực trạng gần đây, tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác rừng lấy gỗ, lâm sản trái pháp luật diễn ra phức tạp và hành vi chống người thi hành công vụ ngày càng gia tăng, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị 16/CT-UBND, ngày 26/11/2012 yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ.

Ảnh minh họa: ThienNhien.Net

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát diện tích rừng hiện có, trong đó, tập trung chủ yếu vào diện tích rừng tự nhiên, giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho chính quyền cấp xã và chủ rừng. Triển khai, thực hiện tốt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; phương án giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn, giai đoạn 2011-2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Triển khai, thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg, ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện các trường hợp xâm hại vào rừng, đốt, phá rừng lấy đất làm nương rẫy; cương quyết phá bỏ các loại cây trồng, các công trình xây dựng trái phép trên diện tích rừng bị xâm hại, nhất là rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng nguyên sinh. Thu hồi toàn bộ đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật và buộc khắc phục hậu quả, trồng lại rừng theo quy định.

Quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định của nhà nước. Thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn theo thẩm quyền.

Hằng năm tổ chức kiểm tra, rà soát điều chỉnh phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho phù hợp với điều kiện thực tế theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng có thể xảy ra. Huy động các lực lượng Công an, Quân đội phối hợp với Kiểm lâm kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản và đất sản xuất. Xử lý nghiêm minh những vi phạm theo pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, các đối tượng chống người thi hành công vụ; tập trung thống kê, điều tra, triệt phá những “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật; rà soát, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm còn tồn đọng gắn với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để giáo dục, răn đe phòng ngừa chung.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành của tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; phương án giao rừng, cho thuê rừng; phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, giai đoạn 2011-2015; lập cơ sở dữ liệu về diện tích, chất lượng rừng và đất lâm nghiệp đến từng chủ rừng. Triển khai, thực hiện tốt Quyết định số 37/2012/QĐ-UBND, ngày 10/8/2012 của UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất lâm nghiệp, giai đoạn 2012-2015. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Lâm nghiệp phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố triển khai, thực hiện tốt nội dung Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng. Chỉ đạo Vườn Quốc gia Hoàng Liên; Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn; Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, thành phố; các Công ty Lâm nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trong lâm phận được giao.

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai; xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vi phạm pháp luật về đất đai; chấm dứt tình trạng hợp pháp hóa việc mua bán, chuyển đổi đất lâm nghiệp trái pháp luật.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương đảm bảo nguồn vốn cho việc tăng cường các hoạt động bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật về ngân sách.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an địa phương quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu; tập trung xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng; thống kê, phân hóa đối tượng “đầu nậu”, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật, kẻ chủ mưu, thuê, kích động, xúi giục người dân phá rừng, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện, vu khống, gây rối mất trật tự xã hội để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố, các Đồn Biên phòng, lực lượng Dân quân tự vệ địa phương tham gia tích cực vào công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Giao nhiệm vụ cho đơn vị đóng quân trên địa bàn tham mưu cho chính quyền cấp xã về bảo vệ rừng, tăng cường công tác tuần tra kết hợp với bảo vệ rừng; phối hợp hỗ trợ và tham gia cùng lực lượng Kiểm lâm địa phương phát hiện các vi phạm về bảo vệ rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn; các Công ty Lâm nghiệp; Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, thành phố và các tổ chức được nhà nước giao rừng rà soát toàn bộ diện tích đã giao khoán bảo vệ rừng, kiên quyết thanh lý hợp đồng khoán bảo vệ rừng không đúng đối tượng hoặc tổ chức, cá nhân đã nhận khoán bảo vệ rừng nhưng thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định của nhà nước về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức rà soát các vùng trọng điểm rừng có nguy cơ xâm hại cao, tổ chức truy quét, ngăn chặn kịp thời tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật trên diện tích được giao.

Các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền những điển hình thực hiện tốt về bảo vệ và phát triển rừng; đưa tin kịp thời và khách quan về các vụ phá rừng, phê phán các hành vi phá rừng trái pháp luật và chống người thi hành công vụ.