Giải quyết vấn đề chất thải rắn vùng đồng bằng sông Cửu Long

ThienNhien.Net –  Vấn đề trên được đưa ra tại Hội thảo “Giải quyết vấn đề chất thải rắn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Hiệp hội các nhà cung cấp và xử lý chất thải tại Pháp và Tập đoàn CNIM (Cộng hòa Pháp) tổ chức, diễn ra tại TP. Cần Thơ ngày 26/11.

Ảnh minh hoạ: vea.gov.vn

Hội thảo nhằm giới thiệu các phương pháp xử lý chất thải rắn thích hợp, kinh nghiệm trong xử lý chất thải rắn ở châu Âu; giới thiệu công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải thành năng lượng cũng như cách tái chế chất thải thành năng lượng hữu ích góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Số liệu thống kê về các nguồn chất thải ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: Chất thải rắn sinh hoạt khoảng hơn 600.000 tấn/năm, nước thải sinh hoạt khoảng 103 triệu m3/năm, chất thải rắn công nghiệp khoảng 47,2 triệu m3/năm, rác thải y tế khoảng 3.800 tấn/năm… Đáng quan ngại là các loại rác, chất thải nguy hại này hầu hết chưa được xử lý triệt để, vẫn tiếp tục được thải bừa bãi ra môi trường sống và hệ thống sông, kênh, rạch trong khu vực.

Theo dự báo đến năm 2015, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các tỉnh, thành ĐBSCL là khoảng 5.000 tấn/ngày và sẽ tăng lên gần 8.000 tấn/ngày vào năm 2020. Vì vậy, để đảm bảo xử lý triệt để toàn bộ lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh thì việc cấp bách hiện nay cần có một quy hoạch tổng thể và xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, vùng ĐBSCL cần áp dụng các công nghệ như chôn lấp hợp vệ sinh, tái chế hoặc đốt; tập trung kết hợp nhiều quy trình công nghệ khác nhau như các công nghệ phụ trợ xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại (phân loại và xử lý cơ học, xử lý hóa – lý), công nghệ khử khuẩn xử lý chất thải rắn y tế bị nhiễm khuẩn… để xử lý chất thải rắn phát sinh tại các đô thị, khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.

Theo đề án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020, quy hoạch ranh giới của 4 tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau là địa điểm xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và y tế. Với mục tiêu đến năm 2020 có 100% chất thải rắn phát sinh tại các đô thị, khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long được thu gom và xử lý.