Ổ khóa để giữ của trời cho

ThienNhien.Net – Tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt là nguồn vốn “trời cho” đóng góp vào sự phát triển của nhiều quốc gia. Quản trị tốt nguồn tài nguyên này sẽ đem lại nguồn thu nhập rất lớn để các quốc gia tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, vì lợi ích của mọi người dân. Ngược lại, quản trị tài nguyên yếu kém sẽ làm cho đói nghèo, tham nhũng và nguy cơ xung đột trầm trọng hơn. Sáng kiến minh bạch ngành trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) được xem là hướng đi mở ra một quy trình hiệu quả để quản trị tài nguyên.

Từ thực trạng khai khoáng…

Với hơn 60 loại khoáng sản tại hơn 5.000 mỏ, điểm quặng, Việt Nam có tiềm năng khoáng sản phong phú. Ngành công nghiệp khai thác đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam với khoảng 11% đóng góp vào GDP và 25% tổng thu ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, công tác quản lý trong lĩnh vực công nghiệp khai thác còn tồn tại nhiều bất cập.

Trong một hội thảo bàn về ngành công nghiệp khai thác khoáng sản gần đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho rằng: Trong rất nhiều lý do gây thất thoát tài nguyên thì cái chính vẫn là do cơ chế. Chẳng hạn, tỷ lệ than bị thất thoát trong khai thác hầm lò của Việt Nam lên tới 40-60%, nghĩa là mất một nửa. Tình trạng này một phần do công nghệ khai thác lạc hậu, nhưng cũng có nguyên nhân là do chính doanh nghiệp không trung thực trong kê khai.

Theo quy định hiện hành thì căn cứ để tính thuế tài nguyên là dựa vào sự kê khai sản lượng thực tế khai thác của doanh nghiệp. Trong khi đó, đến nay khâu hậu kiểm vẫn còn lỏng lẻo, gần như sản lượng khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp chưa được cơ quan nào giám sát.

Đối với khai thác khoáng sản nói riêng, việc cấp phép ồ ạt và buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền trong thời gian vừa qua đã dẫn đến nhiều hệ lụy môi trường và xã hội. Việc khai thác tài nguyên ở những vùng có mỏ đã và đang để lại rất nhiều “di chứng” cho môi trường và đời sống, sức khỏe của người dân xung quanh.

Trong khi đó, nguồn thu cho ngân sách địa phương từ khoáng sản ở nhiều nơi hầu như không đáng kể. Phân tích số liệu vĩ mô cho thấy mối liên hệ giữa tăng trưởng của khai thác khoáng sản và xóa đói giảm nghèo là không rõ ràng, thậm chí là trái chiều.

EITI được xem là “chìa khóa” cho Việt Nam mở ra cánh cửa quản trị tài nguyên hiệu quả (Ảnh: ThienNhien.Net)

 

… đến hướng mở với EITI

Trên toàn thế giới, hiện đang có khoảng 3,5 tỷ người sống ở những quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản. Là tài sản không thuộc sở hữu của riêng một cá nhân hay tổ chức nào, tất cả mọi người dân sống trong các quốc gia giàu tài nguyên phải được hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên này.

Việc tham gia EITI mang tính chất tự nguyện của mỗi quốc gia, thể hiện cam kết minh bạch hóa và nâng cao chất lượng quản trị tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Riêng với Việt Nam, EITI hứa hẹn giúp Việt Nam giải quyết được nhiều bất cập hiện nay trong ngành công nghiệp khai thác, nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên, góp phần đảm bảo phát triển bền vững.

Tham gia EITI, Việt Nam sẽ tăng được nguồn thu ngân sách, giảm thiểu thất thoát tài chính từ hoạt động khai thác dầu khí, khoáng sản; giảm thiểu xung đột giữa các bên liên quan bằng cách hài hòa lợi ích của Nhà nước – Doanh nghiệp – Người dân.

Đồng thời, trở thành thành viên của Hội đồng EITI, Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong việc tạo dựng lòng tin đối với các nhà đầu tư, từ đó thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; tăng chỉ số tín nhiệm quốc gia về minh bạch; phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Đơn cử như dầu khí hiện là nguồn thu ngoại tệ chính của đất nước, có vai trò rất quan trọng trong cán cân xuất khẩu. Việt Nam cũng đã bắt đầu đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí ở các quốc gia khác. Minh bạch hóa các nguồn thu, chi từ dầu khí không chỉ giúp quản trị tốt hơn ngành công nghiệp này mà còn đáp ứng các chuẩn mực quốc tế khi tham gia thị trường thế giới.

Chính phủ Việt Nam đã có các động thái tích cực tìm hiểu về EITI và cơ hội để tham gia vào sáng kiến này, như sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí và Luật Khoáng sản. Bộ Công Thương và Bộ TN&MT hiện đang có các hoạt động nghiên cứu các khía cạnh liên quan đến EITI cũng như học hỏi từ phía các quốc gia trong khu vực về các bước tiến hành.

Bộ Quy tắc EITI cung cấp các hướng dẫn cần thiết để một quốc gia có thể từng bước chuẩn bị và đăng ký tham gia. Sau quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, động thái đầu tiên để Việt Nam có thể chính thức bắt đầu tiến trình tham gia EITI là tuyên bố chính thức từ phía Chính phủ. Chính phủ sẽ đóng vai trò chính, quan trọng trong quá trình đăng ký tham gia với tư cách quốc gia ứng viên và đi đến mục tiêu thành quốc gia tuân thủ hoàn toàn EITI.

Các công ty khai thác và các tổ chức xã hội, tổ chức nhân dân là các nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong EITI. Bước đầu, một số công ty Việt Nam cũng đã bày tỏ sẵn sàng tham gia vào tiến trình EITI. Trong những năm vừa qua, các tổ chức xã hội, tổ chức nhân dân của Việt Nam cũng đã rất tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, thúc đẩy thông tin và nhận thức về EITI, mà nỗ lực gần đây nhất là việc xuất bản Bộ Quy tắc EITI bằng tiếng Việt.

Hy vọng rằng với sự ủng hộ của toàn xã hội, Việt Nam sẽ sớm hội nhập vào con đường mang tên EITI.

Ấn phẩm “Bộ Quy tắc EITI – Phiên bản 2011” là tài liệu cập nhật từ Ban thư ký EITI quốc tế, được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) biên dịch và xuất bản. Nội dung chính của tài liệu này là các yêu cầu cơ bản mà các quốc gia đăng ký tham gia Sáng kiến EITI cần tuân thủ, bao gồm các nguyên tắc, tiêu chí, yêu cầu, hướng dẫn thẩm định, các ghi chú chính sách do Hội đồng Quản trị EITI quốc tế ban hành.