Triển vọng liên kết con người và thiên nhiên nhờ các trò như Pokémon GO

ThienNhien.Net – Những trò chơi như Pokémon Go liệu có thể khiến người chơi cùng lúc quan tâm đến điện thoại và môi trường? Nghiên cứu sinh Jessie Buettel và GS. Barry Brook tại Đại học Tasmania đã gợi mở cách biến các trò chơi sử dụng công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR) thành động lực bảo tồn.

Một người chơi Pokemon khi đang leo núi Zion tại Utah. (Ảnh: Tydence Davis)
Một người chơi Pokemon khi đang leo núi Zion tại Utah. (Ảnh: Tydence Davis)

Bất cứ ai đến những chỗ đông người trong thời gian vừa qua đều sẽ nhận thấy sự hiện diện của Pokémon GO – trò chơi vượt lên vị trí đứng đầu các bảng xếp hạng game một cách vô cùng nhanh chóng. Trong suốt hai thập kỷ, những con Pokémon đã được thu thập dưới đủ dạng thức khác nhau, nên việc sử dụng công nghệ smartphone để tạo nên một trò chơi dạng tăng cường thực tế ảo trên điện thoại (MAR) là hoàn toàn thực tế. Pokémon GO không chỉ là một hiện tượng xã hội mà còn giúp giá trị thị trường của công ty sở hữu Nintendo tăng vọt lên 39,9 tỷ USD.

Cũng như Pokémon GO, Ingress là một trò chơi khoa học viễn tưởng lồng ghép thực tế, trong đó người chơi sẽ tương tác với những đồ vật trong thế giới thực (nhờ có camera của smartphone) thông qua một lớp các nhân vật được mô phỏng. Theo Tạp chí Restoration Ecology, những trò chơi dạng MAR như vậy cũng có thể có những tác động tích cực đến hệ sinh thái và công tác bảo tồn, chứ không chỉ mang lại nhiều mối lo ngại như vốn bị chỉ trích. Bí quyết nằm ở chỗ chấp nhận thành công của những trò chơi này, lợi dụng cảm giác thích thú và cạnh tranh, đồng thời đưa người chơi ra ngoài trời. Đây cũng chính là những yếu tố khuyến khích mọi người quan tâm đến thiên nhiên.

Những người chơi Ingress đang tụ tập bên ngoài. (Ảnh: R4ph4ell-pl/Wikimedia Commons)
Những người chơi Ingress đang tụ tập bên ngoài. (Ảnh: R4ph4ell-pl/Wikimedia Commons)

“Tách biệt sinh thái” và kết nối ảo

Sự phát triển của nền văn minh hiện đại, được thúc đẩy bởi những phát minh công nghệ, vốn dựa trên sự khai thác môi trường tự nhiên. Nhiều vùng đất hoang dã xưa kia nay đã bị độc chiếm bởi loài người. Số lượng các loài động thực vật giảm dần tại từng khu vực hay thậm chí tuyệt chủng toàn cầu do mất môi trường sống, khai thác quá mức, tình trạng xâm lấn của các loài ngoại lai và ô nhiễm. Mặc dù nguyên nhân trực tiếp này đã quá rõ ràng, hầu hết nhân loại gần như không hề quan tâm. Cây viết về môi trường George Monbiot từng cho rằng, môi trường bị phá hủy không ngừng là do một thực tế là không còn đủ những người trân trọng tự nhiên và sự hoang dã nữa.

Hiện tượng “tách biệt sinh thái” này được mô tả như là một triệu chứng trong thế giới đô thị hóa, hiện đại hóa của con người, nơi những công nghệ mới vừa điều khiển sự chú ý của con người vừa làm tăng khả năng gây thương tổn môi trường. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu công nghệ tăng cường thực tại ảo có thể được sử dụng theo hướng tích cực và chủ động, kết nối cộng đồng với thiên nhiên và từ đó khơi dậy khả năng bảo tồn vốn có của con người? Sẽ ra sao nếu một trò chơi trên smartphone không chỉ tập trung vào khung cảnh thành phố, mà là đưa vào những cảnh thiên nhiên, hoang dã, giúp con người tương tác với môi trường tự nhiên?

Giúp xã hội kết nối nhiều hơn với thiên nhiên từ lâu đã là giấc mơ cao xa của các nhà môi trường. Từ hơn một thập kỷ trước, một nhóm các nhà sinh học bảo tồn hàng đầu đã chỉ ra rằng trẻ em thành thạo trong việc nhận diện các con Pokémon hơn nhiều so với các nhóm sinh vật hoang dã thường thấy, bởi chúng chủ yếu tiếp xúc với những con vật điện tử chứ không có cơ hội tiếp xúc ngoài đời thật. Trò Ingress hiện đã có hơn 7 triệu người chơi tích cực, và đã được 12 triệu người tải xuống kể từ khi ra mắt vào năm 2012. Việc trò chơi yêu cầu phải đi ra khỏi nhà giúp khuyến khích người chơi định vị, nhận diện và xác định một loạt các biểu tượng văn hóa mà thường vốn không được để ý tới.

Egress!

Như vậy, thử thách nằm ở chỗ có thể tạo một phiên bản mới của Ingress, có thể tạm gọi là Egress, lợi dụng sự phổ biến vốn có mà vẫn mang tính giáo dục tích cực. Egress cũng có thể sử dụng công nghệ tăng cường thực tại ảo để mô phỏng những thay đổi của môi trường, dù tốt (khôi phục) hay xấu (phá hủy) trong cảnh quan địa phương của người chơi, thậm chí có thể cung cấp dữ liệu cho các dự án khoa học công dân. Để trở thành hiện tượng, trò chơi cần phải thu hút người chơi và tạo nên một cộng đồng game thủ.

Egress có thể yêu cầu sử dụng smartphone để chụp ảnh, định vị, tự động “gắn thẻ” những loài có trong khu vực, hoặc tìm ra những thực vật hay côn trùng hiếm, phát hiện dấu vết của động vật (đào hang, rời tổ, vv…). Điều quan trọng nằm ở chỗ, dù trọng tâm trò chơi là sinh thái và tự nhiên, nó vẫn đảm bảo yếu tố giải trí của một game – kiểu như phiên bản công nghệ cao của sổ tay các loài chim, nhưng lại có phần thưởng khi phát hiện được loài quý hiếm cho người chơi.

Tạp chí Nature mới đây cũng nêu lên một vài ứng dụng tiềm năng của các trò Pokémon GO, Ingress và nhiều trò chơi khác, khẳng định những trò chơi dạng MAR thậm chí có thể được dùng để phát hiện và mô tả các loài mới. Những hoạt động khoa học công dân này cũng có thể củng cố mối liên hệ giữa nghiên cứu, bảo tồn và cộng đồng. Đây chắc chắn là bước đầu tiên và thiết yếu nhất trong công cuộc tái liên kết con người với thiên nhiên trong thời đại số ngày nay.