Công khai giá thành sản xuất, kinh doanh điện

ThienNhien.Net – Hàng năm, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo số liệu tài chính, chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, xác nhận giá thành sản xuất kinh doanh điện và công bố công khai kết quả thực hiện.

Đây là thông tin được nêu trong dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực vừa được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến nhân dân.

Cụ thể, dự thảo quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân và mức giá bán lẻ điện bình quân khi yếu tố đầu vào biến động làm giá bán điện tính toán biến động so với giá bán điện hiện hành ngoài phạm vi 5%.

(Ảnh minh họa: vtc.vn)

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, thẩm định phương án giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân và mức giá bán lẻ điện bình quân khi yếu tố đầu vào biến động làm giá bán điện tính toán biến động so với giá bán điện hiện hành ngoài phạm vi 5%.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam được phép điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân trong khung giá được duyệt khi yếu tố đầu vào biến động làm giá bán điện tính toán biến động so với giá bán điện hiện hành trong phạm vi 5%, sau khi trình và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là 3 tháng.

Đồng thời, dự thảo quy định: Hàng năm, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo số liệu tài chính, chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện của năm tài chính đã được kiểm toán độc lập kiểm toán, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, xác nhận giá thành sản xuất kinh doanh điện và công bố công khai kết quả thực hiện.

Bình ổn giá điện

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá điện để hỗ trợ cho khách hàng sử dụng điện hoặc cho đơn vị bán lẻ điện trong từng thời kỳ, đảm bảo cho giá bán lẻ không tăng đột biến. Bên cạnh đó, tiến hành áp dụng các biện pháp, chương trình quản lý nhu cầu sử dụng điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả trong sản xuất và sử dụng điện góp phần bình ổn giá điện.

Về cơ chế hình thành và thực hiện Quỹ bình ổn giá điện, dự thảo nêu rõ: Quỹ bình ổn giá điện được hình thành từ việc trích một khoản cố định từ giá bán điện bình quân.

Quỹ bình ổn giá điện được sử dụng vào mục đích bình ổn giá bán điện khi giá bán điện có biến động bất thường hoặc tác động xấu đến kinh tế và đời sống xã hội…

Dự thảo hiện đang được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến nhân dân.