Tê giác bị săn trộm năm 2012 tiếp tục đạt kỷ lục

ThienNhien.Net – Số lượng thống kê của Nam Phi về tình trạng săn bắn tê giác trái phép cho thấy chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay đã có 455 con tê giác bị thiệt mạng, nhiều hơn con số 448 con tê giác bị giết hại lấy sừng trong suốt năm 2011.

Vườn quốc gia Kruger, ngôi nhà nổi tiếng thế giới của động vật hoang dã tiếp tục là nơi bị các tay săn trộm tấn công nhiều nhất với 272 con bị giết hại tính đến nay.

Số các vụ săn trộm tê giác đã tăng mạnh kể từ năm 2007, cùng với sự gia tăng về nhu cầu sừng tê giác ở châu Á, đặc biệt là tại Việt Nam, theo một báo cáo của Mạng lưới Giám sát buôn bán Động thực vật hoang dã (TRAFFIC)

Một con tê giác trắng bị giết hại để lấy sừng (Ảnh: WWF)

Lo ngại trước thực tế này, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khuyến cáo chính phủ Nam Phi hợp tác với các quốc gia tiêu thụ sừng tê giác để đấu tranh chống lại các nhóm tội phạm quốc tế liên quan đến hoạt động mua bán sừng tê giác trái phép.

Số vụ bắt giữ tội phạm xâm hại tê giác trong năm nay tại Nam Phi đã tăng, với 207 tay săn trộm, môi giới và vận chuyển bị giam giữ.

Đánh giá cao các nỗ lực của chính phủ Nam Phi và các cơ quan thực thi pháp luật trong nỗ lực ngăn chặn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã, tuy nhiên WWF cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

WWF cũng kêu gọi các quốc gia có dính líu đến hoạt động mua bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã siết chặt luật pháp, áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế và ngăn chặn việc tiêu thụ sản phẩm từ các loài động vật hoang dã.

13 con tê giác đã được đưa đến môi trường sống mới (Ảnh: WWF)

 

Tại Nam Phi số lượng tê giác – loài được xếp hạng cực kỳ nguy cấp – hiện còn chưa tới 5000 con.

Trong một nỗ lực duy trì và phát triển số lượng loài tê giác, đầu tháng này WWF đã đưa 13 con tê giác đến môi trường sống mới.

Hiện nay, tuy số lượng tê giác vẫn tiếp tục tăng tại Nam Phi do tỷ lệ sinh cao hơn tỷ lệ chết, tuy nhiên, theo WWF, chúng ta đang tiến đến gần điểm giới hạn, khi mà số lượng tê giác sẽ giảm và các nỗ lực bảo tồn không còn tác dụng nữa.