Phát sinh hơn 4.000 m3 bùn thải mỗi ngày, xử lý chỉ nhỏ giọt

Bùn thải nguy hại thiếu chỗ xử lý đang là mối nguy cho môi trường. Ảnh: Thời báo kinh tế Sài Gòn

ThienNhien.Net – Theo thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, toàn thành phố phát sinh khoảng 2.800-3.600 m3 bùn thải/ngày, được chia theo 6 loại cơ bản: bùn nạo vét hệ thống thoát nước, bùn từ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, bùn bể tự hoại, bùn từ hệ thống xử lý nước thải tập trung các KCN, bùn từ hệ thống xử lý nước thải các cơ sở sản xuất ngoài KCN, bùn từ các công trường xây dựng.

Ngoài ra, còn có một lượng bùn không thường xuyên xuất phát từ các dự án: nạo vét hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm… khoảng 900 m3/ngày. Thế nhưng chỉ có một số ít lượng bùn thải được Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP (gọi tắt là Công ty Thoát nước) và các công ty công ích quận, huyện thu gom, vận chuyển về các bãi đổ tập trung.

Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT thành phố, thời gian qua, việc thu gom và xử lý bùn thải trên địa bàn thành phố chưa đạt hiệu quả, đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Trong quy hoạch xử lý chất thải rắn, thành phố đã dành khoảng 40 ha đất tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh để xây dựng trạm tiếp nhận, chế biến và xử lý bùn, Công ty Thoát nước được chỉ định làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, dự án được giao đã khá lâu nhưng viện lý do thiếu vốn nên chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện được.

Hiện Sở TN&MT cũng đang kêu gọi đầu tư, tuy nhiên, theo ông Phước, trước mắt phải đẩy nhanh dự án trạm tiếp nhận, xử lý bùn thải Đa Phước để giải quyết cấp bách vấn đề bùn thải và cũng tránh tình trạng đầu tư tràn lan – Người lao động ngày 08/10/2012 thông tin.