Để các dự án bảo tồn vùng hạ lưu Mê Kông thành công

ThienNhien.net – Dân số ngày càng tăng cùng tác động từ các dự án phát triển đã đặt môi trường sinh thái lưu vực sông Mê Kông vào thách thức mới. Để giải quyết thách thức này, hàng loạt các hoạt động bảo tồn đã được triển khai. Tại hạ lưu Mê Kông hàng triệu USD đã được đổ vào các dự án bảo tồn và phát triển tổng hợp (ICDPs) nhằm thúc đẩy tính bền vững môi trường đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển. Các dự án này có thành công không? ICDPs có nhiều mục tiêu quá tham vọng và chắc chắn cũng có sai lầm – Đó là nhận định từ cuốn sách Evidence-based Conservation: Lessons from the Lower Mekong (Tạm dịch: Bảo tồn dựa vào bằng chứng: Bài học từ vùng Hạ lưu sông Mê Kông). Từ nhận định đó, các tác giả của cuốn sách đã đưa ra một số khuyến nghị cho các dự án bảo tồn tại khu vực hạ lưu sông Mê Kông.

 Sử dụng các hệ thống giám sát

Dù việc giám sát và đánh giá có thể cung cấp rất nhiều thông tin song thông thường thì vẫn khó khăn trong việc đánh giá xem các dự án bảo tổn có tác động lên bảo tồn và phát triển hay không.

Hiện nay động lực để áp dụng các hệ thống đánh giá thường vẫn chỉ để làm vui lòng các nhà tài trợ dự án trong khi giá trị của hệ thống giám sát như một nguồn kinh nghiệm và gợi ý để cải tiến dự án lại chưa được đánh giá đúng.

Trong khi đó, hệ thống giám sát, đánh giá có thể giúp cán bộ dự án và người dân địa phương chia sẻ suy nghĩ và học hỏi lẫn nhau. Từ quá trình đánh giá, những thành công và thất bại có thể trở thành bài học cho các dự án tiếp theo.

Xác định mục tiêu rõ ràng và hợp lý ngay từ đầu

Việc này thường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các tổ chức hướng đến cả hai mục tiêu: bảo tồn và phát triển xã hội. Thường thì các tài liệu của dự án đã đưa ra quá nhiều thông tin chi tiết về quá trình triển khai dự án mà không thực sự kết nối với các mục tiêu tổng thể và lâu dài.

Các cơ chế dựa vào thị trường có thể giúp kết hợp giữa bảo tồn và phát triển

Đối với các dự án bảo tồn dài hạn, kinh phí đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong những năm gần đây, các cơ chế dựa vào thị trường đã giúp định giá các dịch vụ hệ sinh thái, bao gồm cả giá trị lưu trữ carbon, như chi trả dịch vụ môi trường (PES) và giảm khí thải từ phá rừng và suy thoái rừng (REDD +).

Tuy nhiên, các kế hoạch này nên giữ vai trò bổ trợ cho các cơ chế tài chính chứ không nên là một giải pháp độc lập để liên kết bảo tồn và phát triển.

Cung cấp các hoạt động tạo thu nhập thay thế

Nhiều dự án được thiết kế trên tiền đề rằng tỷ lệ đói nghèo tại các địa phương là mối đe dọa chính đối với đa dạng sinh học. Tuy nhiên, các tác giả cho rằng quan điểm này quá hời hợt. Nghèo đói phức tạp hơn chỉ đơn thuần là một sự thiếu thốn của cải, mà nó còn liên quan đến phúc lợi xã hội và sự tự do lựa chọn của con người.

Để phá cái vòng luẩn quẩn đói nghèo rõ ràng là cần hiểu rõ hơn về các yếu tố tác động bên ngoài và cách thức mà các mục tiêu cạnh tranh giữa bảo tồn và phát triển có thể ảnh hưởng đến người nghèo. Các giải pháp do đó phải dựa vào bối cảnh cụ thể, tuy nhiên, hiểu rõ và cân nhắc các đánh đổi giữa bảo tồn và phát triển là nền tảng để đảm báo các kết quả tối ưu cho cả hai.

Tạo thu nhập thay thế cho người dân góp phần giảm sức ép lên bảo tồn (Ảnh: André van der Stouwe/Forest News)

Đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, nâng cao nhận thức và năng lực

Hoạt động giáo dục, đào tạo và các chiến dịch nâng cao nhận thức thường là một trong những nhân tố dẫn đến sự thành công của dự án.

Đơn cử, tại khu bảo tồn Hoàng Liên Sơn, dự án bảo tồn dựa vào cộng đồng đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của khu bảo tồn và thúc đẩy sự tham gia của họ vào công tác bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, Bruce Campbell, Giám đốc Chương trình nghiên cứu CGIAR về biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực cho rằng: “Triển khai xây dựng năng lực ở cấp quốc gia vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với bảo tồn trên thế giới. ”

Hiểu rõ bối cảnh chính sách

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân sâu xa của sự mất mát đa dạng sinh học và các mối đe dọa đến các khu bảo tồn nằm trong chính sách của các chính phủ.

Các tác giả cuốn sách nhấn mạnh, trong khi một khung chính sách chặt chẽ có thể mang lại hy vọng cho bảo tồn và giảm nghèo thì sự thành công lại phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi pháp luật.

Các thách thức về chính sách đối với các khu bảo tồn là do thiếu sự cam kết chính trị về bảo tồn. Đây chính là điểm yếu của các cơ quan môi trường cùng với sự đầu tư tài chính còn nghèo nàn trong các hoạt động quản lý khu bảo tồn.

Học từ một ‘thất bại lớn trong bảo tồn’

Bất chấp những nguồn lực đáng kể của chính phủ Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ, hoạt động săn bắn trái phép đã giết chết con tê giác cuối cùng ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Nguyên nhân được các tác giả của cuốn sách nêu ra là do đầu tư cơ sở hạ tầng được dành đáng kể cho du lịch sinh thái chứ không phải cho giám sát trực tiếp và bảo vệ loài tê giác Javan.

Từ đó, các tác giả khuyến nghị rằng ý chí chính trị cần được tăng cường để ngăn chặn các loại tội phạm liên quan đến các động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Thực thi luật pháp quốc gia và quốc tế để bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng không chỉ tốn kém mà còn rất phức tạp. Tuy nhiên, thực thi pháp luật chính xác là những gì cần thiết cho các dự án bảo tồn và phát triển vốn đang nỗ lực để hướng tới thành công trong hỗ trợ người dân và hệ động thực vật tại hạ lưu sông Mê Kông.