Đề nghị ban hành chính sách đặc thù trong quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, vừa bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái đầu nguồn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị Trung ương nghiên cứu có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương trong quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế – xã hội.

Thực hiện chương trình tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng 28/1, Đại hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Văn kiện Đại hội.

Tốc độ giảm nghèo nhanh

Trình bày tham luận “Phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cho biết, quyết tâm, nỗ lực triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ).

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước. Số xã đặc biệt khó khăn giảm 26,3%, còn 59 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm 16,9% còn 383 thôn, bản.

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái tại Đại hội XIII của Đảng.

Theo ông Duy, tỉnh Yên Bái đã thực sự đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả. Để triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho cả giai đoạn; hằng năm, Tỉnh ủy Yên Bái đều giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng huyện, thị, thành phố. Đồng thời, phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp cấp tỉnh.

Đặc biệt, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động đóng góp công sức, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong 2 năm 2019 và 2020, toàn tỉnh đã có 333 hộ nghèo có đơn tự nguyện xin thoát nghèo.

Lồng ghép chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác, tỉnh Yên Bái đã tập trung xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Chú trọng bố trí ổn định dân cư, gắn với ban hành đồng bộ, kịp thời bộ cơ chế, chính sách, đề án riêng của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo theo hướng tích hợp, đồng bộ với các chính sách của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Nhờ đó, đến hết 2020, tỉnh Yên Bái có 75/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 12 xã đặc biệt khó khăn; cao gấp 1,35 lần bình quân chung của vùng Trung du và miền núi phía Bắc (37%), gấp 1,85 lần bình quân chung khu vực Tây Bắc (27%). Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2 lần so với năm 2015.

Xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, sát thực

Trong bối cảnh hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy nhìn nhận, Yên Bái có tốc độ giảm nghèo nhanh, nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao so với bình quân chung cả nước. Một bộ phận hộ đã thoát nghèo ở các địa bàn thường xuyên chịu tác động của thiên tai vẫn có nguy cơ cao tái nghèo;

Trong khi, việc hỗ trợ sinh kế, thu nhập đối với người dân tại các địa bàn vùng cao mà nguồn thu nhập chủ yếu từ chính sách nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên) còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là lưới điện quốc gia, hạ tầng giao thông đối với địa bàn vùng sâu, vùng cao còn nhiều khó khăn, đòi hỏi nguồn lực lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương, ảnh hưởng đến tiến trình giảm nghèo…

Yên Bái nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng. Ảnh: T.L

Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho rằng, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo. Gắn việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Cùng với đó, phải đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là giải phóng tư tưởng để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

“Xây dựng kế hoạch giảm nghèo bảo đảm cụ thể, sát thực với các giải pháp căn cơ, bài bản, đồng bộ, thống nhất và cách làm sáng tạo, linh hoạt, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, nút thắt, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo”, ông Duy nói.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, cần thiết kế hợp lý để tránh trùng lắp về đối tượng, nội dung, phương thức hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt chương trình và hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cũng mong muốn Trung ương ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng; hạ tầng lưới điện quốc gia; các công trình dự báo, cảnh báo và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục bố trí nguồn lực sớm hoàn thành việc sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai tới đời sống và sản xuất của nhân dân.

Sinh kế của người dân Yên Bái nói riêng và khu vực miền núi phía Bắc nói chung chủ yếu gắn với kinh tế lâm nghiệp, đồi rừng. Do vậy, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đề nghị Trung ương nghiên cứu có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương trong quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế – xã hội để thực hiện mục tiêu vừa giảm nghèo bền vững, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái đầu nguồn.