Giảm thiểu tác động tiêu cực của thủy điện tới môi trường và người dân ở hạ lưu

ThienNhien.Net – Trên đây là trích lời Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng tại buổi tọa đàm trực tuyến “Triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 – Những vấn đề cần tháo gỡ” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng 28/6 tại Hà nội.

Giảm thiểu tác động của thủy điện lên môi trường và người dân là mục tiêu của Việt Nam (Ảnh: ThienNhien.Net)

Trả lời câu hỏi của người dân về tình trạng tích nước lòng hồ thủy điện khiến hạ du không có nước, hoặc xả lũ bất ngờ hoặc thông báo nhưng rất gấp, thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thừa nhận các công trình thủy điện cũng có những tác động tiêu cực tới môi trường và đời sống người dân khu vực hạ lưu như báo chí đã phản ánh và chính quyền địa phương có ý kiến. Tuy nhiên khi giải quyết vấn đề này, Chính phủ, Bộ Công thương và chủ đầu tư vẫn trên quan điểm đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Trong quá trình thiết kế, khi đập thủy điện vận hành phải bảo đảm dòng chảy tối thiểu để bảo đảm sản xuất, kinh doanh, hệ thống sinh thái ở hạ lưu.

Bộ Công thương đã chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các nhà máy phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong mùa lũ cũng như mùa khô, các quy chế phối hợp vận hành nhà máy, xử lý các tình huống để đảm bảo dòng chảy tối thiểu.

Về ngập lụt, rõ ràng có trường hợp, thời gian nhà máy thủy điện thông báo cho người dân trước khi xả lũ là quá ngắn, chỉ báo trước 2 tiếng. Theo thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, do trình độ dự báo khí tượng thủy văn còn hạn chế, nên khó có thể tăng thời gian lên. Đây cũng là vấn đề cần phải xem xét, theo khảo sát của Bộ Công thương, nhiều nhà máy đã lắp đặt thêm trạm quan trắc, từ đó có thể xác định chính xác hơn về thời điểm lũ về, tạo thuận lợi hơn cho người dân bảo vệ tài sản của mình khi thủy điện xả lũ.

Lý giải tình trạng nhiều công trình, dự án điện sau khi hoàn thành đã để lại hậu quả về môi trường rất nghiêm trọng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cũng thừa nhận tác động môi trường do các nhà máy thủy điện chủ yếu là về rừng và đất đai. Khi xây dựng các nhà máy thủy điện, EVN đã xây dựng các đề án đánh giá tác động môi trường, và đang cùng các các địa phương triển khai cấp đất cho chủ đầu tư trồng bù bổ sung diện tích rừng bị thiệt hại.

Để giảm thiểu tác động của các công trình với các hộ dân nơi ở mới, EVN phối hợp với các địa phương xây dựng các khu tái định cư, khai thác quỹ đất tái định canh cho đồng bào. Ở một số khu vực, việc cấp đất tái định canh không đủ theo quy định của Chính phủ thì EVN đã cấp 3 năm lương thực để người dân có thể sinh sống khi chưa có điều kiện tăng gia sản xuất…

Trong giai đoạn tới, khi thực hiện triển khai Qui hoạch điện VII, số dự án thủy điện vừa và lớn mới rất ít, chủ yếu tập trung xây dựng mới các dự án nhiệt điện than, khí. Với các dự án thủy điện lớn đang triển khai như Lai Châu, Sông Bung 2, Sông Bung 4, EVN đang triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường và đời sống người dân tái định cư.