Đề nghị thu phí khai thác tài nguyên nước

ThienNhien.Net – Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều 31/5 đều đồng tình việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mặc dù trước đó, tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác loại tài nguyên này đã phải nộp thuế tài nguyên, phí, lệ phí khi cấp giấy phép khai thác.

Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với báo cáo giải trình, thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cũng như đối với đất đai và khoáng sản, tài nguyên nước thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.

Nhà nước có quyền hưởng lợi khi cấp quyền khai thác cho các tổ chức, cá nhân tương tự như tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền sử dụng đất khi giao đất… Hơn nữa, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.

Quốc hội sẽ giao Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp phải nộp tiền, không phải nộp tiền khi khai thác tài nguyên nước và cơ sở để xác định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Nhiều ý kiến cũng nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự luật là quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra có liên quan trực tiếp tới vận hành hồ chứa, các công trình ngăn mặn, việc thăm dò, khai thác nước dưới đất trên lãnh thổ quốc gia.

Góp ý vào chi tiết về phòng, chống tác hại của nước và an toàn hồ chứa (quy định tại Chương 5), đại biểu Trần Xuân Vinh (đoàn Quảng Nam) cho rằng Dự thảo luật chưa nêu rõ trách nhiệm của chủ đầu tư hồ chứa xử lý ra sao nếu nước có nguy cơ làm vỡ đập. Đại biểu Vinh cũng kiến nghị quy định cụ thể chủ đầu tư hồ chứa bồi thường ra sao nếu xả lũ không đúng quy trình.

Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) và Nguyễn Minh Long (đoàn An Giang) cũng đề nghị cần phân vùng bảo hộ tài nguyên nước ở khu vực sông liên tỉnh. Đại biểu Trương Văn Vở đưa ra ví dụ “tại hai tỉnh giáp ranh nhau có cùng một con sông chảy qua, trong khi tỉnh này quy định lấy nước sông làm nước sinh hoạt, tỉnh kia lại xác định sông là nơi tiếp nhận nước thải…”. Do đó, phân vùng bảo hộ nguồn nước ở lưu vực sông liên tỉnh sẽ tránh được hệ lụy ô nhiễm nguồn nước.

Cũng liên quan đến trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, đại biểu Trương Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng Điều 3 Dự thảo luật mới chỉ nêu trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành. Đại biểu này đề nghị cần bổ sung việc bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân…

Qua nhiều lần xin ý kiến đại biểu Quốc hội và tham vấn các chuyên gia, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đưa ra xin ý kiến đại biểu ngày 31/5 đã nhận được nhiều đồng tình của Quốc hội.

Sau buổi thảo luận này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa những hạn chế và dự kiến sẽ trình Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) vào sáng 21/6.