Đề xuất chương trình quốc gia về bảo tồn hổ

ThienNhien.Net – Hiện nay, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn khoảng từ 28 đến 47 cá thể sinh sống rải rác ở các khu rừng hẻo lánh và đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt diệt do hai mối đe dọa lớn đó là bị săn bắt, buôn bán và mất nơi sinh sống.

Bên cạnh đó, số hổ nuôi nhốt hiện là 112 cá thể và hoạt động này hiện chưa khẳng định sẽ hỗ trợ được công tác bảo tồn hổ trong tự nhiên.

Ảnh minh họa: EPA

Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ đến năm 2022 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Xác lập khu vực ưu tiên bảo tồn hổ tự nhiên

Dự thảo Chương trình đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển quần thể hổ hoang dã và con mồi của hổ ở Việt Nam, góp phần đạt được mục tiêu tăng quần thể hổ hoang dã lên gấp đôi trên quy mô toàn cầu vào năm 2022.

Trước mắt, chương trình phấn đấu đến năm 2015, phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các vùng sinh cảnh bảo tồn hổ. Đồng thời, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn hổ tự nhiên. Cũng như, bảo đảm công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của hổ đạt hiệu quả…

Để đạt mục tiêu trên, chương trình dự kiến sẽ xác định khu ưu tiên bảo tồn hổ. Trong đó, xác lập ít nhất 01 khu vực ưu tiên bảo tồn hổ tự nhiên; tiến hành quy hoạch, thiết lập hành lang bảo tồn sinh cảnh sống của hổ trong tự nhiên; hạn chế thực hiện các dự án phát triển tác động tiêu cực đến khu vực sinh cảnh hổ tự nhiên…

Gây nuôi và tái thả hổ về vùng phân bố trong tự nhiên

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng chương trình giám sát quần thể hổ hoang dã. Dự thảo xác định phải tăng cường quản lý giám sát hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn hổ tự nhiên. Trong đó, chú trọng việc thiết lập hệ thống đăng ký, quản lý cá thể hổ nuôi nhốt trên toàn quốc. Cũng như, xây dựng và áp dụng chương trình giám sát hổ tại các cơ sở nuôi nhốt hổ. Triển khai nghiên cứu, xây dựng chương trình gây nuôi bảo tồn và tái thả hổ về vùng phân bố của chúng trong tự nhiên.

Dự thảo cũng đề xuất các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của hổ. Đồng thời, triển khai xây dựng và áp dụng các chương trình thực thi pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh nhằm ngăn chặn các hoạt động kinh doanh trái phép sản phẩm từ hổ và con mồi của hổ…