Tham vọng theo đuổi cây cao su của Hà Giang liệu có mạo hiểm?

ThienNhien.Net – Như đã phản ánh trong loạt phóng sự hồi cuối tháng 5 năm 2011, đợt rét đậm rét hại kèm sương muối năm 2010 từng hạ gục trên 1.000 ha cao su mới trồng tại Hà Giang. Sau cú sốc lớn, tỉnh Hà Giang thận trọng không mở rộng diện tích mà quyết tâm khôi phục toàn bộ số cao su bị chết trước đó. Tuy nhiên, sự đương đầu được cho là đầy tham vọng lần này dường như vẫn ẩn chứa nhiều mạo hiểm bởi không ai dám chắc hơn 1.000 cao su trồng tái canh sẽ không thêm một lần nhận lấy thất bại.

Dân mất niềm tin

Trở lại Hà Giang trong những ngày đầu xuân 2012, chúng tôi tìm tới hai xã trọng điểm trồng cao su của tỉnh là Vô Điếm (huyện Bắc Quang) và Trung Thành (huyện Vị Xuyên) để khảo sát số diện tích cao su mới trồng tái canh. Từ con đường lầy lội bùn đất tại thôn Me Thượng, xã Vô Điếm nhìn lên những quả đồi trồng cao su toàn một màu trắng xóa tựa như màu của cò, vạc di cư bất thường qua địa phận Hà Giang. Phải tới khi được người dân giải thích rõ đó là túi ni lông được Công ty cổ phần Cao su Hà Giang trang bị “chống rét” cho lứa cây cao su “chịu lạnh” trồng tái canh năm 2011, chúng tôi mới vỡ lẽ.

Hầu hết số cao su mới trồng tại xã Vô Điếm đều phải che túi chống sương muối, tuy nhiên không ít cây đã bị rụng lá

Theo lời kể của một số người dân, khi thấy công nhân đem túi ni lông chống rét cho cao su, nhiều người đã cười bảo, đã là giống cao su chịu lạnh sao vẫn phải chống rét? Mà giờ cây thấp bé còn che được, giả dụ cây sống được và cao bằng mấy đầu người thì che bằng cách nào, không lẽ trèo lên ngọn cây để che. Thực tế đã chứng minh, lứa cây cao su trồng trong những năm trước bị chết rét khi chúng đã cao tới 3 – 4 mét và to bằng bắp chân chứ đâu phải chết ngay lúc mới trồng.

Đang hái rau rừng chuẩn bị cho bữa cơm trưa tại khu đồi mới trồng cao su thuộc thôn Me Thượng, chị Ma Thị Kiên, một người dân trong thôn ngao ngán cho biết, năm 2009, gia đình chị góp 0,5 ha đất cho Công ty cổ phần Cao su Hà Giang, khi chuẩn bị xuống cây thì đột ngột toàn bộ diện tích cao su đã trồng tại Vô Điếm chết trắng không rõ nguyên nhân. Vì vậy, năm nay gia đình chị Kiên nhất quyết không giao đất cho Công ty nữa mà dành để trồng sắn, trồng ngô, vừa giải quyết nhu cầu lương thực trước mắt, vừa như phục vụ chăn nuôi.

“Sống ở đây đã mấy chục năm nên tôi biết, khí hậu nơi này khắc nghiệt vô cùng, ngay cả cây keo lai gia đình tôi trồng lên quá đầu người còn chết rũ vì sương muối thì cây cao su khó lòng mà trụ được. Bây giờ góp đất trồng cao su chẳng may lại chết nữa thì biết bao giờ chúng tôi mới lấy lại được đất và trong khoảng thời gian đó gia đình tôi sẽ sống bằng gì? Thôi cứ trồng ngô, trồng sắn cho chắc ăn anh ạ!”, chị Kiên nói chắc nịch.

Cách nhà chị Kiên không xa, hộ gia đình anh Ma Văn Thớ ở cùng thôn Me Thượng cũng đang rơi vào trạng thái hoang mang bởi từ thời điểm cây cao su trồng trên diện tích 6 ha mà gia đình anh góp với Công ty Cao su Hà Giang bị chết không rõ nguyên nhân, phía Công ty vẫn không hề có thông báo gì. Nay lại nghe tin Công ty sắp sửa trồng tái canh trên diện tích 6 ha cũ, gia đình anh bồn chồn lo lắng không biết có được nhận hỗ trợ gì từ phía họ?

Con trai anh Ma Văn Thớ là Ma Văn Cương mới đi đào măng từ rừng về mặt tím tái vì lạnh run rẩy tâm sự, từ ngày giao đất cho Công ty Cao su Hà Giang, không còn đất làm nương, bố con anh chủ yếu vào rừng đào măng về bán lấy tiền chi tiêu hàng ngày. Anh Cương đắn đo, nếu sắp tới phía Công ty có lấy đất để trồng cây cao su gia đình anh vẫn giao nhưng sẽ yêu cầu phía Công ty phải trả nốt 30% số tiền đề phòng cao su chết tiếp một lần nữa.

Hiện dự án trồng tái canh hơn 1.000 ha cây cao su tại Hà Giang đang chia người dân ở xã Vô Điếm, Bắc Quang và Trung Thành, Vị Xuyên thành hai thái cực. Một bên chính thức nói lời chia tay với Công ty Cao su Hà Giang bằng việc lấy lại đất để canh tác; nửa còn lại ngần ngừ giao đất trong trạng thái sợ cây cao su chết thêm lần nữa. Bản thân người dân cũng không rõ nguyên nhân cao su chết do đâu bởi phía Công ty chưa bao giờ giải thích với họ mà chủ yếu thông qua chính quyền địa phương với những thông tin rất mù mờ.

Chính sự không tường minh trong việc cung cấp thông tin cũng là một trong những lý do quan trọng khiến người dân nơi đây không còn mặn mà với cây cao su như lúc ban đầu, dù phía Tập đoàn Cao su Việt Nam cam kết hỗ trợ toàn bộ tiền giống và kỹ thuật.

Nhiều người dân thôn Me Thượng, xã Vô Điếm đã không còn mặn mà với cây cao su

Canh bạc đầy may rủi

Thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần Cao su Hà Giang đã hoàn thành kế hoạch năm 2011 khi trồng tái canh được hơn 600 ha cao su tại ba huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Trong năm 2012, Công ty đặt kế hoạch trồng tái canh 558 ha diện tịch bị chết còn lại. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay, phía Công ty không mạo hiểm chạy theo tiến độ trồng vào thời điểm cuối năm mà đã ươm bầu đợi đến mùa xuân mới triển khai.

Đặc biệt, trong đợt trồng mới này, phía Công ty chỉ chọn hai giống cao su chịu lạnh là IAN – 873 và VNg – 774 (Vân Nghiên), các giống của miền Nam bị chết vừa rồi đều bị loại bỏ.

Giống cao su IAN – 873 có xuất xứ từ Braxin, đã thoát chết “thần kỳ” qua đợt rét năm 2010 nên được tỉnh Hà Giang đặt kỳ vọng rất lớn, còn VNg – 774 được Tập đoàn Cao su Việt Nam nhập về từ Trung Quốc, nghe nói phía nước bạn trồng rất nhiều tại khu vực khí hậu xuống âm độ nhưng cây vẫn sống bình thường?!

Tuy nói là giống chịu lạnh nhưng khi hỏi bất cứ người có trách nhiệm nào về cây cao su ở Hà Giang rằng liệu IAN – 873 và VNg – 774 có chống chịu được khí hậu khắc nghiệt của vùng núi địa đầu Tổ quốc thì tất cả đều chỉ nhận được câu trả lời ở mức “niềm tin”. Đó là chưa kể tới việc nếu cây cao su sống được thì liệu nó có khả năng cho mủ?

Trao đổi với chúng tôi, một vị cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang thừa nhận đang rất lo lắng với hơn 1.000 ha cao su chịu lạnh, bởi không ai dám khẳng định là cây sẽ không bị chết. Nhưng trót đâm lao thì phải theo lao vì trước kia tỉnh đã đưa vào thử nghiệm đủ loại cây trồng như cà phê hay cải dầu đều thất bại, thậm chí đến giờ ngân hàng vẫn chưa thu hồi được vốn. Nay đưa cây cao su vào trồng chẳng nhẽ lại thất bại lần nữa thì thật không biết ăn nói như thế nào với người dân.

Tới khu vực trồng cao su tái canh từ giữa năm 2011 tại xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên, quả thực bằng cảm quan cho thấy cây phát triển bình thường, được 3 tầng lá, cao 60 – 80 cm. Anh Dương Văn Thắng, Trưởng Ban chỉ đạo vùng sản xuất cao su Vị Xuyên (Công ty cổ phần Cao su Hà Giang) cho biết, huyện đã bàn giao cho phía Công ty 900 ha đất để trồng cao su nhưng đơn vị mới trồng tái canh được 125 ha diện tích chết rét năm 2010, số diện tích còn lại sẽ trồng tiếp vào đầu năm 2012 vì khi đó mới đúng lịch thời vụ phía Tập đoàn yêu cầu.

Tại ba vườn ươm của Công ty cổ phần Cao su Hà Giang, 350.000 cây cao su giống chịu lạnh đã được ươm bầu để sẵn sàng phủ kín 558 ha diện tích chết rét còn lại trong một tâm thế đầy may rủi. Chưa biết cây có sống được hay không nhưng đầu tháng 2 vừa qua, tỉnh Hà Giang đã làm việc với phía Tập đoàn để bàn về cơ chế ăn chia khi cao su cho mủ và dự định sau khi trồng tái canh xong 1.158 sẽ tiến hành trồng thêm 2.000 ha nữa (có lẽ khoảng diện tích này mới đủ công suất cho một nhà máy sơ chế mủ).

Dù sao cũng ghi nhận sự dũng cảm của tỉnh Hà Giang trong “canh bạc” đeo đuổi cây cao su. Tuy nhiên, theo thông tin mới ghi nhận được từ một vị cán bộ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang thì tại khu vực giáp biên giới của tỉnh, một loạt giống cao su chịu lạnh của nước bạn Trung Quốc đã bị chết rét rất nhiều.

Có thể nói, cùng với những bài học nhãn tiền thì đây đồng thời được xem là lời cảnh báo thận trọng cho Hà Giang trong định hướng và tham vọng phát triển cây cao su nhằm tránh lặp lại thảm cảnh tương tự.