2.600 chữ ký ủng hộ Tuyên bố Kew về tái trồng rừng

Hơn 2.600 cá nhân từ 113 quốc gia, bao gồm các nhà khoa học, kiểm lâm, nhà tài chính, chuyên gia chính sách và đại diện các vườn thực vật, vườn ươm, tổ chức phi chính phủ đã ký Tuyên bố Kew về Tái trồng rừng vì Đa dạng sinh học, Thu giữ các-bon và Sinh kế.

Hành lang rừng do cộng đồng trồng trong dự án “Hành lang cho sự sống” của Viện Nghiên cứu Sinh thái (IPÊ). Ảnh: IPE

Nội dung Tuyên bố vừa được đăng tải trên tạp chí Plants, People, Planet, trong đó nhấn mạnh thông điệp “mặc dù việc trồng lại rừng mang lại nhiều hứa hẹn trong việc làm chậm lại các cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học nhưng mặt tối của hoạt động này là trong một số trường hợp, trồng cây có thể gây hại nhiều hơn lợi”.

Được thúc đẩy bởi các tổ chức Royal Botanic Gardens, Kew (RBG Kew) và Botanic Gardens Conservation International (BGCI), Tuyên bố được đưa ra từ các cuộc thảo luận và nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Tái trồng rừng vì Đa dạng sinh học, Thu giữ các-bon và Sinh kế vào tháng 2/2021 cũng như 10 Quy tắc vàng về tái trồng rừng nhằm tối ưu hóa sự lưu giữ các-bon, phục hồi đa dạng sinh học và các lợi ích sinh kế do RBG Kew xuất bản tháng 1/2021.

Tuyên bố thể hiện mối quan tâm của các bên ký kết về việc trồng cây quy mô lớn gồm các loài độc canh và/hoặc loài không phải bản địa có thể gây tổn hại đến đa dạng sinh học và thu giữ ít các-bon hơn so với rừng bản địa. Tuyên bố đặc biệt kêu gọi “các nhà hoạch định chính sách, nhà tài chính và nhà thực hành ở các quốc gia đã cam kết trồng rừng cần tuân thủ 10 Quy tắc vàng, phối hợp với người bản địa và người dân địa phương dựa trên sự tôn trọng quyền sở hữu đất của họ, đảm bảo rằng bất kỳ môi trường sống nào bị mất đều có thể tái tạo, bảo vệ các loài bị đe dọa, tiếp tục quản lý và giám sát các dự án, và “học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ”.

Ngoài ra, Tuyên bố cũng kêu gọi trợ cấp và “khuyến khích tài chính tích cực” để hỗ trợ việc phục hồi rừng.

“Chúng tôi hy vọng Tuyên bố Kew sẽ được nhiều nhà hoạch định chính sách xem xét trong các cuộc thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) sắp tới nhằm đảm bảo các chính sách phù hợp được đưa ra để bảo vệ các khu rừng hiện có của chúng ta và tối đa hóa các tác động có lợi đối với con người, đa dạng sinh học và các-bon khi trồng rừng mới”, Paul Smith, Tổng thư ký BGCI và đồng tác giả Tuyên bố cho biết.

Trồng rừng hoặc trồng cây trên những vùng đất không có cây thực sự, chẳng hạn như đồng cỏ hay cánh đồng hoang, có thể giải phóng carbon từ mặt đất và phá hoại hệ sinh thái, vì vậy việc lựa chọn các khu vực và loài thích hợp để tái trồng rừng là rất quan trọng.

Linh Nhi (Theo Mongabay)

Nguồn: