Nghiên cứu, bảo tồn các loài thú quý ở Bà Nà

(Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

ThienNhien.Net – Nhằm tìm kiếm giải pháp bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bà Nà, Đà Nẵng, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Huế và Văn phòng UBND huyện Hòa Vang, Đà Nẵng đã phối hợp khảo sát danh lục các loài thú trong phạm vi Khu Bảo tồn và cả địa phận rừng sông Nam và sông Bắc của xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (gọi chung là khu vực Bà Nà).

​Nhóm đã khảo sát 77 loài thuộc 28 họ, 10 bộ ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bà Nà thông qua việc điều tra khu hệ thú và kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đây.

Trong số 77 loài ghi nhận được ở khu vực Bà Nà có tới 27 loài quý hiếm có giá trị bảo tồn cao, trong đó có 25 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), 21 loài trong Danh lục đỏ IUCN (2002), 26 loài trong Nghị định 32/NĐ-CP của Chính Phủ, và đặc biệt có cả loài Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus nemaeus).

Chà vá chân nâu là loài đặc hữu của Đông Dương, hiện chúng phân bố khá nhiều ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng nhưng lại tương đối hạn chế ở khu vực Bà Nà.

Cũng theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, do nạn bẫy thú và săn bắt gia tăng nên nhiều loài được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và cả một số loài có giá trị kinh tế hiện đã không tìm thấy trong khu vực Bà Nà như Hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti), Báo hoa mai (Panthera pardus), Nai (Cervus unicolor), Gấu chó (Ursus malayanus); Sói lửa (Cuon alpinus).