Thái Lan, Campuchia hợp tác xây thủy điện Stung Num

ThienNhien.Net – Thái Lan và Campuchia vừa thống nhất thành lập một nhóm công tác nhằm thúc đẩy dự án thủy điện Stung Num và một nhà máy nhiệt điện chạy than tại tỉnh Koh Kong ở phía tây nam Campuchia, nơi có biên giới giáp với tỉnh Trat của Thái Lan sau khi đã đạt được thỏa thuận về việc chia sẻ điện năng.

Đây là nội dung được thảo luận trong chuyến thăm của Bộ trưởng Năng lượng Pichai Naripthaphan cùng Bộ trưởng Ngoại giao Surapong Tovichakchaikul  của Thái Lan tại Campuchia vừa qua.

Bản đồ tỉnh Koh Kong, nơi dự kiến xây đập thủy điện Stung Num(Ảnh: livinginpp.wordpress.com)

Theo ông Pichai, Cơ quan Điện lực Thái Lan (EGAT) đã được chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu sâu hơn về cả hai dự án này và thảo luận chi tiết với phía Campuchia vì theo thỏa thuận hiện tại thì đây sẽ là đơn vị mua điện.

Ông cũng cho biết cả hai nước đã nhất trí đặt nhà máy Stung Num tại Thái Lan, trong khi đập và hồ chứa nằm trên lãnh thổ Campuchia vì lợi ích của cả hai bên.

Theo phương án tính toán của Công ty Koh Kong Seaboard của Campuchia, dự án thủy điện Stung Num có thể đạt công suất từ 94 – 101MW với tổng vốn ước tính 5,5 tỷ bạt. Trong đó, nguồn nước lưu trữ trong đập sẽ được cung cấp cho các cộng đồng người Campuchia cũng như phục vụ cho Khu công nghiệp Koh Kong và tưới tiêu trong nông nghiệp; ngoài ra nó cũng được chia sẻ cho ba tỉnh của Thái Lan là Rayong, Chantaburi và Trat với tổng dung lượng từ 200 – 500 triệu m3.

Được biết, từ năm 2008, Campuchia đã đề xuất dự án này với Thái Lan nhưng do một số vấn đề chính trị giữa hai nước nên dự án bị đình lại.

Trong khi đó, dự án nhà máy nhiệt điện tại tỉnh Koh Kong vẫn đang chờ tín hiệu từ các nhà đầu tư Campuchia, ông Pichai cho biết.

Liên quan tới hoạt động xây đập thủy điện tại Campuchia, ngày 28/12/2011, quốc gia này cũng tiến hành khởi công xây dựng đập thủy điện Russei Chrum Krom tại tỉnh Koh Kong với tổng kinh phí gần 500 triệu USD do Tập đoàn Huadian Corporation của Trung Quốc làm chủ đầu tư, khả năng cung cấp điện lên tới 338 MW.