Hậu khai thác khoáng sản ở Cao Bằng (Kỳ 3)

Kỳ 3: Câu chuyện hoàn thổ

 ThienNhien.Net – Hàng chục điểm khoáng sản đã khai thác, đồng nghĩa với không biết bao nhiêu tấn quặng các loại được bốc lên đem bán. Tiền tư thương và cá nhân đút túi, để lại cho địa phương toàn những ngổn ngang…

Những ao, hồ bất đắc dĩ

Có mặt tại mỏ sắt Kéo Mơ, địa điểm khai thác tại một thung lũng nhỏ, chúng tôi không thấy xuất hiện máy móc hay bất cứ người dân khai thác nào. Một bên mỏ là cánh rừng thông xanh tốt, một bên là ta luy cao mấy chục mét, có những đoạn được đào hàm ếch sẵn sàng đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Giữa thung lũng là một hố sâu rộng hàng trăm mét vuông, nhìn mặt nước xanh lè khiến người ta không khỏi nghi ngại có lẽ hố này phải sâu đến chục mét, xung quanh không hề có hàng rào chắn hay biển báo nguy hiểm nào. Bên cạnh đó  là nhiều hang quặng đã hình thành từ lâu, nhìn vào chỉ thấy sâu hun hút.

Mỏ sắt Kéo Mơ hiện tại (ảnh chụp tháng 12/2011)

Rời mỏ sắt Kéo Mơ, đi qua thị xã Cao Bằng theo quốc lộ 34 vào huyện Nguyên Bình chúng tôi chứng kiến khung cảnh còn hoang tàn hơn gấp nhiều lần. Tại xóm Pác Bó, xã Thể Dục một diện tích lớn lên đến gần chục ha ngổn ngang đất đá, tạo thành những ngọn núi chềnh ềnh giữa sông, dòng sông bị nắn dòng chảy gây xói lở nhiều diện tích đất nông nghiệp của hơn 30 hộ dân xóm Pác Bó.

Ông Hoàng Văn Huy, Trưởng xóm cho biết: “Người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, một bộ phận người dân khi quặng được giá cũng đi khai thác đem bán cho các thương buôn kiếm tiền đóng học cho con cái, mua sắm nhưng không gây ảnh hưởng nặng nề như doanh nghiệp gây ra”.

Ông Huy cho hay, cách nay hai năm, một công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn dừng hoạt động nhưng máy móc họ vẫn để lại, mãi tới gần đây mới chịu đến tháo dỡ chuyển đi. Người đi, máy móc đi nhưng hiện trường đào bới thì vẫn còn nham nhở nguyên đất đá. “Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương làm cách nào đó san ủi những đống đất đó đi, xung quanh có thể làm ruộng vườn trồng hoa màu cho dân, chứ để như thế chẳng dùng vào việc gì được trong khi đó xóm lại thiếu đất. Vừa rồi chủ tịch vào tiếp xúc cử tri chúng tôi có ý kiến, ông ấy hứa sẽ cho san ủi nhưng đến nay đâu vẫn vào đó” – ông Huy nói.

Theo nhiều người dân thị trấn Nguyên Bình và một số xã lân cận nơi có sông Nguyên Bình chảy qua, việc khai thác quặng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến dòng sông như xói lở bờ, đất bồi ngày càng nhiều. Đó là chưa kể thi thoảng nguồn nước lại trở nên đục ngầu mà người dân nghi rằng từ mỏ thiếc Tĩnh Túc chảy ra.

Trong khi mặt đất vẫn còn nguyên xi những vết rỗ sâu hoắm sau khi chủ khai thác cũ bỏ đi, những điểm đào xới quặng mới lại tiếp diễn. Trên cánh đồng xã Thể Dục chỉ cách UBND vài trăm mét, người ta vẫn tấp nập múc, sàng tuyển quặng ngay giữa ban ngày.

Hai hố sâu gần quốc lộ 34 đoạn qua xã Thể Dục (Nguyên Bình - Cao Bằng) đã có 1 người chết trong năm 2011.

Tình trạng khai thác kháng sản trái phép ở xã Thể Dục đã khiến nơi đây xuất hiện thêm ngày càng nhiều những ao tù bất đắc dĩ. Chỉ tay xuống hai ao nước màu xanh lè rộng đến cả trăm mét vuông nằm cách đường lộ 34 chưa đầy chục mét, một người dân sinh sống gần đó cho biết trong năm nay đã có một học sinh lớp 11 của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Nguyên Bình bị thiệt mạng khi cùng 5 người bạn nữa rủ nhau xuống tắm.

Trước khi rời huyện Nguyên Bình, chúng tôi được biết tại địa bàn xã Vũ Nông, một xã nghèo diện 135 của tỉnh, hiện nay người dân cũng đang rất bức xúc do phải gánh hậu quả từ khai thác khoáng sản, nhưng kêu mãi cũng chẳng thấy có ai đến giải quyết. Chuyện là trong xã có hai mỏ quặng, đơn vị khai thác trong khi triển khai đã làm đất đá lấp xuống đường dẫn nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu của cả xã. Chính vì vậy mấy tháng nay hàng nghàn người dân xã Vũ Nông luôn phải sống trong tình trạng thiếu nước.

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, ông Nguyễn Xuân Tiếp, Phó trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản và địa chất, thuộc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng phân bua: “Tình trạng khai thác trái phép ở Cao Bằng diễn ra đã lâu, trước đây nó chủ yếu diễn ra ở vùng sâu, vùng xa. Đa phần là khai thác thủ công nên không để lại hậu quả nặng nề như bây giờ. Bây giờ họ khai thác sử dụng đến thiết bị máy móc, cơ giới hóa. Trách nhiệm quản lý bảo vệ thuộc về chính quyền địa phương cấp huyện, xã, hai đơn vị ấy phải lập phương án quản lý, bảo vệ, kiểm tra, giám sát, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Sở tài nguyên môi trường cũng là cơ quan có trách nhiệm nhưng không thể chạy được hết trên địa bàn tỉnh được”.

Hậu quả từ một văn bản

Có mặt tại địa bàn xã Hoàng Tung, huyện Hòa An. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi về việc hoàn thổ việc khai thác cát sỏi trên sông Bằng Giang đoạn chảy qua nơi giáp ranh giữa hai xã Hoàng Tung (Hòa An) và Hưng Đạo (TX. Cao Bằng). Ông Đàm Thế Phong, Phó chủ tịch xã Hoàng Tung cho biết: “Trên địa bàn trước đây có doanh nghiệp Phan Thắng được cấp phép khai thác cát sỏi trên sông đoạn chảy qua địa bàn, hầu hết sỏi cũng được doanh nghiệp sử dụng hoặc đắp vào hai bên bờ sông chống xói lở. Việc hoàn thổ sau khai thác của đơn vị này rất tốt”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đi qua một cây cầu bắc qua sông Bằng Giang nối liền hai xã Hoàng Tung và Hưng Đạo quan sát thấy rất nhiều đống cát sỏi lổn nhổn giữa sông. Dọc hai bên sông có những điểm bị móc sâu xuống lòng sông rất nguy hiểm cho người và gia súc. Với thực trạng như vậy thật khó thuyền bè nào có thể di chuyển qua đoạn sông này. Không chỉ ở đoạn sông trên, cách cầu Bằng Giang (TX. Cao Bằng) khoảng vài trăm mét cũng có những hình ảnh tương tự.

Đoạn sông nơi giáp ranh giữa hai xã Hoàng Tung (Hòa An) và Hưng Đạo (TX.Cao Bằng) ngổn ngang núi cát sỏi sau khai thác.

Theo như nhiều người dân giải thích thì hầu hết các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên sông Bằng Giang đều bỏ mặc hiện trường sau khi đã tận thu tài nguyên. Năm nào mưa nhiều, lũ sẽ san bớt đống sỏi đá giữa sông, “chứ năm nay ít mưa bão, ông trời cũng chẳng giúp hoàn thổ được“.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Xuân Tiếp, Phó trưởng Phòng tài nguyên khoáng sản và địa chất cho hay: “Theo quy hoạch của tỉnh thì khu vực giáp ranh giữa hai xã Hoàng Tung và Hưng Đạo vẫn được phép khai thác. Khi giấy phép hết hạn thì họ xin gia hạn, hiện luật mới đã có nhưng chưa có văn bản dưới luật nên sở Tài nguyên và Môi trường không thể xem xét giải quyết được. Sở dĩ là bắt buộc các doanh nghiệp phải tạm dừng khai thác nên nhìn nó mới không đảm bảo mỹ quan như vậy”.

Ông Tiếp cho biết thêm: “Chủ trương nạo vét dòng sông Bằng, sông Hiến thì tỉnh đã có văn bản 654 từ năm 2006, và cho phép một số doanh nghiệp nạo vét tận thu cát sỏi. Tuy nhiên công tác quản lý hồ sơ, dự án cũng không được chặt chẽ. Lẽ ra phải phân kỳ cho làm từng đoạn một, cho làm ồ ạt quá, tác động đến dòng nước cho nên tỉnh đã tạm dừng việc vệ sinh nạo vét. Hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường trình tỉnh phương án mới là vẫn tiếp tục cho nạo vét nhưng phân kỳ từng đoạn. Trước mắt sông Hiến  đoạn từ cầu Bằng Giang mới xuống đến Cầu Hoàng Hà sẽ không làm nữa”.

Đó là những thực trạng do những doanh nghiệp được cấp phép khai thác gây ra. Còn đối với những điểm khai thác trái phép tự phát mà để lại hậu quả nặng nề thì theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng việc khắc phục như hoàn thổ, cải tạo môi trường… chính quyền địa phương phải tự trích ngân sách ra xử lý (bằng cách quay vòng, lấy tiền trích ra từ các khoản phạt nộp vào ngân sách).