Trưng dụng đất đai quy mô lớn ảnh hưởng đến người nghèo

ThienNhien.Net – Vấn đề quản lý, sử dụng đất ở các nước đang phát triển được nhận định là đang gặp vô số thách thức. Trong đó, có hai bất cập lớn được Liên minh Đất Quốc tế (ILC), Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) nhận diện trong các báo cáo công bố mới đây là mặt trái của những thỏa thuận giao dịch, trưng dụng đất đai và tham nhũng trong hoạt động quản lý, sử dụng đất.

Đi từ những bất cập…

Nghiên cứu mang tên The Global Commercial Pressures on Land Research Project của ILC đã đề cập đến rất nhiều bất cập trong những thỏa thuận giao dịch đất giữa các nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ các nước đứng ra giao dịch, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến các cộng đồng nghèo.

Nghiên cứu được thực hiện với sự phối hợp của trên 40 tổ chức trong 28 nghiên cứu điểm, nghiên cứu chủ đề và nghiên cứu tổng quan khu vực cùng với các dữ liệu cập nhật từ Dự án Land Matrix hiện vẫn đang giám sát các giao dịch đất đai quy mô lớn.

Theo Báo cáo, các giao dịch đất đai trong giai đoạn 2000 – 2010 đã đạt con số 200 triệu héc-ta, gấp 8 lần diện tích Vương quốc Anh.

Qua đó, nghiên cứu trên đã phát hiện ra một số xu hướng được nhận định là đã bị các phương tiện thông tin đại chúng lờ đi. Chẳng hạn, trong khi giới truyền thông vẫn cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn trong hoạt động trưng dụng đất đai thì nghiên cứu của ILC lại khẳng định các chính phủ mới là nhân tố chính.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng nhận định rằng lương thực không phải mục đích chính của các giao dịch đất đai như giới truyền thông vẫn rêu rao. Cụ thể, trong số 71 triệu héc-ta đất giao dịch mà nhóm nghiên cứu khảo sát, chỉ có 22% dành cho khai mỏ, du lịch, công nghiệp, lâm nghiệp, và có tới 3/4 trong 78% đất còn lại dành cho sản xuất nông nghiệp lại nhằm phục vụ mục đích sản xuất nhiên liệu sinh học.

Bên cạnh đó, báo cáo nghiên cứu của ILC còn cho hay mặc dù những giao dịch đất đai quy mô lớn có thể mang lại nhiều cơ hội phát triển, song chúng cũng gây ra vô số vấn đề đối với những cộng đồng nghèo nhất trong xã hội, những người thường bị tước quyền tiếp cận đất đai và các nguồn tài nguyên thiết yếu phục vụ sinh kế.

Đáng nói là nguồn việc làm được kỳ vọng tạo ra cho các cộng đồng nghèo vẫn chỉ là lời hứa từ các nhà đầu tư và vì gấp gáp, ồ ạt thu hút đầu tư nên các chính phủ đã bỏ qua những khoản doanh thu từ hợp đồng cho thuê đất mà nếu đàm phán tốt hơn rất có khả năng đạt được.

Theo nhận định của Tiến sĩ Madiodio Niasse, Trưởng Ban Thư ký ILC, chính quản trị yếu kém, tham nhũng và sự thiếu minh bạch trong quá trình ra quyết định đã dung túng cho các hoạt động trưng dụng đất quy mô lớn, không mang lại lợi ích cho người nghèo mà khiến họ bị thua thiệt.

Tập trung hơn vào vấn đề tham nhũng do yếu kém trong quản lý đất đai – một trong những vấn đề nổi cộm, gây tác động không nhỏ đến nông nghiệp và an ninh lương thực toàn cầu, mới đây, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) và Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cũng công bố một tài liệu kỹ thuật trình bày kết quả nghiên cứu của họ tại hơn 61 quốc gia.

Cụ thể, nghiên cứu này đã khẳng định, quản trị yếu kém đã tạo điều kiện cho tham nhũng trong giao dịch và quản lý đất đai “lên ngôi”, gia tăng sức ép lên vấn đề sử dụng đất; đồng thời nhìn nhận được rằng tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai tồn tại ở nhiều cấp độ, từ những khoản hối lộ, gian lận nhỏ lẻ đến việc lạm dụng địa vị chính trị và quyền lực của chính phủ.

Trưng thu đất trên quy mô lớn ngày càng trở nên phổ biến ở các quốc gia đang phát triển (Ảnh minh họa: Dapa.ciat.cgiar.org)

… đến phương hướng giải quyết

Từ việc nhận diện những bất cập trong hoạt động quản lý, sử dụng đất đang tồn tại ở nhiều nước đang phát triển, hai báo cáo trên cũng đồng thời đề xuất một số phương hướng khắc phục.

Theo Tiến sĩ Lorenzo Cotula thuộc Viện Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED), đồng tác giả báo cáo The Global Commercial Pressures on Land Research Project, thì: “Khi chính phủ sở hữu đất, họ dễ dàng cho các nhà đầu tư thuê những diện tích đất lớn, nhưng cộng đồng địa phương, thậm chí cả ngân sách quốc gia cũng chỉ nhận được một khoản lợi ích cực nhỏ, không đáng kể. Thực tế ấy đòi hỏi quyền của cộng đồng nghèo đối với mảnh đất nơi họ đã sống qua nhiều thế hệ cần phải được tăng cường”.

Thêm nữa, đứng trước thực tế những cơ chế thương mại quốc tế đang cung cấp sự bảo hộ hợp pháp hết sức thiết thực cho các nhà đầu tư quốc tế, còn đối với cộng đồng nghèo thì hầu như chẳng có mấy hiệp định quốc tế bảo vệ họ, các nước cần phải lên tiếng thúc đẩy sự ra đời những cơ chế toàn cầu hiệu quả đứng về phía các cộng đồng nghèo ở nông thôn hoặc chí ít cũng đảm bảo rằng hoạt động thương mại và đầu tư sẽ hỗ trợ cho phát triển bền vững và mục tiêu giảm nghèo của cộng đồng.

Đặc biệt, cần bài trừ những quan điểm cho rằng canh tác quy mô nhỏ không có tương lai và rằng nông nghiệp tập trung, quy mô lớn mới là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển.

Theo đó, Báo cáo của ILC đã khuyến nghị các chính phủ nên thừa nhận và tôn trọng quyền về đất đai và tài nguyên của người dân vùng nông thôn; đưa sản xuất nhỏ vào trung tâm của các chiến lược phát triển nông nghiệp; khiến cho luật nhân quyền quốc tế thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng nghèo và quá trình ra quyết định liên quan đến đất đai trở nên minh bạch, trách nhiệm, tính đến lợi ích của tất cả các bên; đồng thời đảm bảo được tính bền vững về môi trường trong các quyết định trưng dụng, đầu tư đất đai cũng như các quyết định liên quan đến nguồn tài nguyên nước.

Báo cáo cũng ủng hộ các mô hình đầu tư không trưng dụng đất đai trên quy mô lớn, có sự trao đổi, hợp tác chặt chẽ với những người sử dụng đất ở địa phương, tôn trọng quyền về đất đai của họ và coi trọng vai trò của các nông hộ nhỏ trong các dự án đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu về lương thực và tài nguyên trong tương lai.

Trong khi đó, Báo cáo của FAO lại cho rằng quản trị đất đai hiệu quả, chú trọng tới tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là chìa khóa để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và là giải pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội, đầu tư, tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển bền vững.

Liên minh Đất Quốc tế (ILC) là một liên minh toàn cầu của các tổ chức xã hội dân sự và liên chính phủ hoạt động nhằm thúc đẩy và đảm bảo tính công bằng trong việc tiếp cận đất đai của các cộng đồng nghèo thông qua vận động chính sách, đối thoại, chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực. Liên minh này có tới 116 tổ chức thành viên ở hơn 50 quốc gia, trong đó có cả các cơ quan của Liên Hợp quốc (UN) cùng các tổ chức quốc tế khác, các tổ chức của nông dân, các viện nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các tổ chức dựa vào cộng đồng. Đại diện cho xã hội dân sự, các cơ quan thuộc chính phủ và liên chính phủ có liên quan tới chính sách và thực tiễn về đất đai, ILC xây dựng mối liên minh đoàn kết giữa các bên liên quan để ủng hộ, xác nhận quyền về tài nguyên của các cộng đồng nghèo, giúp những thành viên và đối tác của họ cùng nhau hợp tác, nỗ lực hướng tới việc thực thi một chương trình nghị sự về đất đai lấy con người làm trung tâm.