Cơ hội cuối cùng cứu sông Mê Kông

ThienNhien.Net – Trước thềm Hội nghị cấp Hội đồng của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) diễn ra vào hôm nay để đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của dự án thủy điện Xayaburi, hôm qua Liên minh Cứu sông Mê Kông đã gửi một bức thư với chữ ký đại diện của 39 tổ chức dân sự xã hội và phi chính phủ đề nghị Ủy hội thông qua nghị quyết hủy bỏ Dự án thủy điện Xayaburi –  điều mà các tổ chức dân sự xã hội và các cộng đồng ven sông đã kêu gọi trong suốt 3 năm qua.

“Chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ một thông điệp đơn giản: Bảo vệ sông Mê Kông là việc làm cần thiết để duy trì nguồn thủy sản dồi dào, hỗ trợ sinh kế cũng như đảm bảo thực phẩm cho hàng triệu người dân trong khu vực. Nếu được xây dựng, con đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông này sẽ phá hủy hệ sinh thái và sinh kế của người dân trong khu vực. Điều này rất dễ dẫn đến những xung đột biên giới.”- ông Chhith Sam Ath, thành viên Diễn đàn Các tổ chức phi chính phủ Campuchia, chia sẻ.

Sông Mê Kông địa phận bắc Lào - nơi dự kiến xây dựng đập Xayaburi (Ảnh: ThienNhien.Net)

Hôm qua, một thông cáo của Liên minh Cứu sông Mê Kông cũng đã được đăng tải trên ba tạp chí lớn của Thái Lan và Campuchia là Bangkok Post, Phnom Penh PostCambodia Daily, kêu gọi Thủ tướng Chính phủ các nước các nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam không ủng hộ đề xuất xây dựng đập Xayaburi, thay vào đó là bảo vệ sông Mê Kông và các cộng đồng dân cư  sống dựa vào con sông này.

“Trong hai năm qua đã có hàng loạt báo cáo dự đoán về những hiểm họa tự nhiên của việc ngăn đập trên dòng chính sông Mê Kông. Với những cảnh báo rõ ràng ấy, thay vì đánh cược tương lai của chính mình, Ủy hội cần dẫn dắt khu vực theo một tầm nhìn mới cho dòng sông và cả lưu vực, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng kế hoạch xây dựng đập trên dòng chính sông Mê Kông”, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, một tổ chức thành viên  của Liên minh phát biểu.

Còn theo ông Srisuwan Kuankachorn thuộc Quỹ Phục hồi Sinh thái và Liên minh Khu vực (TERRA, Thái  Lan), thì trong năm qua Xayaburi đã gây chia rẽ chính phủ các nước và người dân trong lưu vực. Vì thế nhiệm vụ cấp bách của chúng ta hiện nay là ngăn cản điều này bằng cách thông qua nghị quyết hủy bỏ xây đập Xayaburi.

Cuộc họp cấp Hội đồng  MRC hôm nay là cơ hội cuối cùng để các thành viên MRC chứng minh cam kết thực hiện tinh thần và trách nghiệm pháp lý của Hiệp định Mê Kông 1995 về chia sẻ nguồn nước và bảo vệ hệ sinh thái cũng như  sinh kế của người dân sống trong lưu vực sông Mê Kông, theo Liên minh.