Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp bị chỉ trích

ThienNhien.Net – Trong khi nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu khủng hoảng và sự bất bình với lòng tham của giới doanh nghiệp đang gia tăng, đại diện các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng bản địa đã bày tỏ những quan ngại của mình trước thái độ, hành vi coi thường nhân quyền từ phía các doanh nghiệp lớn đối với người bản địa, lao động di cư cũng như các cộng đồng yếu thế khác.

Các đại biểu tham gia diễn đàn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) tại Bali (Indonesia) cuối tháng 11 vừa qua đều bày tỏ sự thất vọng với cách mà các tập đoàn đa quốc gia đạt được quyền tiếp quản gần như miễn phí từ Chính phủ nước họ với đất đai tổ tiên họ để lại.

Bà Bernice See thuộc Tổ chức Công ước các Dân tộc Bản địa Châu Á (AIPP) và Nhóm Đặc trách ASEAN về các Dân tộc Bản địa cho biết: “Phụ thuộc chủ yếu vào việc khai thác tài nguyên để phát triển kinh tế, nhiều quốc gia ASEAN trực tiếp đứng ra tiếp quản đất đai và tài nguyên của người bản địa cũng như các cộng đồng địa phương, hoặc trao quyền cho các tập đoàn, doanh nghiệp để khai mỏ, phát triển đồn điền công nghiệp, xây nhà máy thủy điện và các khu nghỉ dưỡng…”

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lên tiếng chỉ trích tầm nhìn ASEAN về một Cộng đồng Chia sẻ và Đùm bọc vào năm 2015 vì cho rằng cộng đồng này dường như đã khai trừ những người mà cuộc sống, sinh kế, mảnh đất tổ tiên và cả tương lai của họ đang bị hy sinh cho tầm nhìn ấy.

Về điều này, bà See chia sẻ: “Tình trạng vi phạm nhân quyền đi ngược lại những quyền tập thể của người bản địa và nhân quyền của người lao động, của cộng đồng địa phương, nông dân và các nhóm yếu thế khác trong xã hội không thể hiện hình ảnh về một cộng đồng chia sẻ và đùm bọc. Trong khi lợi ích chảy về phía một bộ phận doanh nghiệp lớn thì đại bộ phận cộng đồng ASEAN chịu thiệt thòi”.

Tại diễn đàn, các ý kiến cũng nhất trí rằng khung chương trình CSR hiện tại mà ASEAN tán thành và ủng hộ đáng lý không nên được thừa nhận. “Bởi lẽ CSR đang được sử dụng để che đậy tác động tiêu cực của những hoạt động kinh doanh trong khu vực. Hơn thế nữa, người ta còn dùng nó để che đậy sự câu kết giữa quyền lợi khối doanh nghiệp tư nhân và các chính phủ đang theo đuổi lợi nhuận và phát triển kinh tế” – bà Corinna Lopa, điều phối viên cấp vùng của Ủy ban Vận động chính sách Đông Nam Á (SEACA), kiêm đồng chủ tọa thuộc Nhóm Công tác ASEAN Đoàn kết Ủng hộ tích cực cho các Dân tộc Châu Á (SAPA), nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lopa cũng khẳng định rằng cộng đồng muốn thấy rõ trách nhiệm giải trình của giới doanh nghiệp phải được tăng cường, dù là doanh nghiệp trong nước hay đa quốc gia. Và bản thân chính phủ các nước thành viên ASEAN nên thực thi nghiêm khắc những quy định đối với khu vực doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền của các dân tộc, các cộng đồng và cả môi trường tự nhiên.

Đập Xayaburi mở đầu cho chuỗi 12 đập dòng chính Mê Kông được cho là đang đánh bạc với sinh kế của hàng triệu con người (Ảnh: ThienNhien.Net)

Có mặt tại diễn đàn, một số “nhân chứng” từ các cộng đồng bị ảnh hưởng ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines và Indonesia cũng đã lên tiếng về tác động của các dự án phát triển và những hành vi lạm quyền, ngược đãi mà các doanh nghiệp phạm phải.

Đơn cử, dự án đập Xayaburi mà Lào đề xuất xây dựng trên dòng chính Mê Kông sắp tới nếu được thông qua sẽ khiến gần 2.130 người ở 10 ngôi làng phải di dời, đe dọa nhấn chìm ruộng vườn hai bên bờ sông, đồng thời dẫn đến những thay đổi đối với vùng cư trú thủy sinh và hệ sinh thái sông nước khi chặn đứng lộ trình di cư lên thượng nguồn của các loài cá. Đặc biệt, sẽ có tới 41 loài cá bị rơi vào nguy cơ tuyệt chủng, trong đó bao gồm cả cá tra lớn của Mê Kông.

Trước khi diễn đàn khép lại, các đại biểu đã cùng nhau khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác và xây dựng năng lực nhằm thúc đẩy việc thừa nhận những quyền cơ bản của họ, đồng thời buộc ASEAN và giới doanh nghiệp tôn trọng những quyền ấy.

Diễn đàn được tổ chức bởi nhiều đơn vị bao gồm Ủy ban Vận động chính sách Đông Nam Á (SEACA), Tổ chức Công ước về các Dân tộc Bản địa Châu Á (AIPP), Viện Cải thiện các Dịch vụ Thiết yếu (IESR), Nhóm Công tác ASEAN Đoàn kết Ủng hộ tích cực cho các Dân tộc Châu Á (SAPA), Nhóm Đặc trách ASEAN về SAPA và Nhóm Đặc trách ASEAN về Công nghiệp Khai thác và các Dân tộc Bản địa.

Một số dự án phát triển khác gây tác động mạnh tới cộng đồng địa phương và môi trường tự nhiên được “bêu danh” tại Diễn đàn: Hoạt động khai mỏ của Công ty PT Freeport tại tỉnh Papua (Indonesia) đã để lại nhiều tác động đối với sức khỏe của người dân sống gần khu vực khai mỏ. Dự án đã bị nhiều người dân phản đối và họ bị đáp lại bằng hành động đánh đập và sát hại. Tính riêng tháng 10/2011 đã có 3 người bị bắn chết tại khu vực Tanggul Timur Navaro. Cộng đồng địa phương cho rằng các nhân viên an ninh của Công ty Freeport phải chịu trách nhiệm trước những cái chết thương tâm này.

Dự án sang nhượng đất Socfin-KCD ở Bousra, tỉnh Mondulkiri (Campuchia): Trong vòng 70 năm, Chính phủ Indonesia đã tiến hành 2 vụ sang nhượng đất với diện tích 7.000ha, đẩy trên 850 gia đình, 90% trong số đó đều là người bản địa Bunong vào cảnh mất nơi cư trú, buộc phải di dời, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tự do tôn giáo, tín ngưỡng mà cộng đồng Bunong vốn tôn thờ. Đặc biệt, quyền được chia sẻ thông tin và quyền được nói lời chấp thuận hay phản đối việc sang nhượng đất của họ đều không được Chính phủ tôn trọng.

Mỏ niken của Công ty Vale Inco tại Karonsi’e Dongi, Sorowako, Nam Sulawesi: Cộng đồng bản địa đã đấu tranh đòi lại đất thuộc quyền sở hữu của mình từ tay các công ty khai thác niken suốt hơn 38 năm nay nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Trước đó, chế độ Suharto đã chuyển giao đất bản địa cho Công ty PT Inco mà không hề có sự đồng thuận từ phía người dân. Về sau, đất lại được sang nhượng cho Công ty Vale Inco và đến giờ, quyền của cộng đồng bản địa vẫn đang bị vi phạm trắng trợn.