Ngắm rừng nước bạn nghĩ về quê hương

ThienNhien.Net – Những cánh rừng nguyên sinh trải rộng mênh mông, nơi có những con suối, con sông mát trong ầm ào chảy – Đó là những hình ảnh mà tôi được chứng kiến trên khắp phía Bắc đất bạn Lào, những hình ảnh khiến tôi ấn tượng sâu sắc và chạnh lòng nghĩ về quê hương để rồi bất giác tự hỏi: Bao giờ rừng quê mình trở lại ngày xưa?

Từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), chúng tôi đi trên đường 8 xuyên sang đất bạn Lào. Đây là con đường mà tôi từng được nghe nhiều người kể rằng ngày xưa Nhật đầu tư xây dựng để khai thác, chuyển gỗ từ bên Lào về các cảng biển ở Việt Nam rồi vận chuyển bằng đường thủy về nước. Nghe vậy nên tôi cứ nghĩ có lẽ rừng bên Lào cũng đã bị khai thác nhiều và hình dung ra một thảm cảnh của rừng nơi đây.

Dọc đường từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) đến thủ đô Viêng Chăn (Lào) hai bên đường rất nhiều rừng nguyên sinh.

Ngỡ vậy, nhưng thật bất ngờ, chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi bạt ngàn rừng nguyên sinh ở phía Bắc nước bạn Lào! Dưới tán lá xanh tươi là những thân cây gỗ cổ thụ dây leo chằng trịt vươn cao hàng chục mét. Rừng ở một số nơi chúng tôi đã đi qua dọc Bắc Lào còn nguyên sơ như chưa bao giờ có bàn tay con người tác động vào.

Thật xót xa khi so sánh rằng hình ảnh mà chúng tôi được chứng kiến trên đất bạn chỉ có thể thấy trong những vùng bảo vệ nghiêm ngặt thuộc các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Việt Nam mà thôi. Ấy vậy mà suốt chặng đường dài hàng trăm cây số từ cửa khẩu Cầu Treo đi sâu vào đất Lào, những cánh rừng xanh rậm rì đó luôn thường trực trước mắt chúng tôi.

Điều đáng nói là nhiều nơi người dân sống ngay sát rừng mà không hề phá rừng, ngay cả ngôi nhà họ ở cũng được xây bằng bê tông. Họ đang sống hài hòa với thiên nhiên trong vòng tay trở che của Mẹ Rừng.

Hầu hết nơi chúng tôi đến thăm rừng ở đó vẫn còn nguyên sơ như chưa bao giờ có bàn tay của con người tác động vào.

Quả là một “vương quốc rừng”! Nghe tôi luôn hết lời khen những cánh rừng của Lào, một người cùng đoàn nói như tự an ủi: “Có lẽ vì rừng ở bên Lào rộng mà dân lại ít nên phá mãi không hết giờ mới còn nhiều như thế này”. Có người lại nói: “Cũng có thể do đồi núi cao, vực sâu không vận chuyển được nên họ không chặt phá. Cũng thuộc đất Lào, nơi giáp ranh với Tây Nguyên của ta họ phá đầy đó, ở gần cửa khẩu quốc tế Bờ Y lúc nào gỗ chẳng được chất hàng đống cao như núi…”.

Nhưng, nói gì thì nói, điều mà tôi đang chứng kiến ở trên nước bạn Lào hoàn toàn khác hẳn so với nhiều Vườn quốc gia, Khu bảo tồn ở Việt Nam mà tôi từng có dịp đặt chân đến. Tôi đã có mặt ở hầu như khắp các cánh rừng từ miền Trung trở ra, đặc biệt là rừng ở phía Bắc nước ta. Và ở đó, điều mà tôi chứng kiến không phải là bạt ngàn rừng xanh cổ thụ, dây leo chằng chịt như những gì tôi đang thấy nơi đây. Ví như ở Tây Nguyên những năm gần đây rừng đã bị phá vô tội vạ, rồi miền Trung ở các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia cũng vậy, luôn “nóng” tình trạng phá rừng rồi chống đối người bảo vệ. Rồi ở vùng Đông Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… hầu hết những cánh rừng ở đó tôi đã đến, tất cả đều bị phá như rừng vô chủ.

 

Rừng nghiến cổ thụ ở Vườn quốc gia Ba Bể bị phá.

Đang ở nước bạn rồi chợt nghĩ về quê hương, nhớ cha ông ta đã kể lại xưa kia ở nước ta đâu cũng có rừng, muốn làm nhà thì chặt cây xuống mà làm, đêm đến thú dữ về tận nhà bắt vật nuôi của dân, các con suối nước chảy ào ào tưới đủ cho khắp các cánh đồng lúa nước khi ngày mùa đến.

Nhưng giờ đây thì sao? Rừng nguyên sinh nước ta ngày một giảm về diện tích, thay vào đó là những ngọn đồi trọc trơ, nguồn nước cũng vì thế mà cạn dần rồi hình thành những miền khô khát. Muông thú cũng theo đó mà dần đi vào các câu chuyện cổ tích người già hay kể.

Nhìn màu xanh trên đất bạn hôm nay, chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng lo lắng. Liệu số phận của những cánh rừng rậm rạp ven sông Mê Kông có bị tàn phá bởi bàn tay con người khi ngày càng nhiều những công trình thủy điện đang rậm rịch xây dựng, khi những đồn điền cao su, cọ dầu đang dần được hình thành, khi mà nương rẫy cũng nhiều thêm theo sự đông đúc của con người? Liệu mai này khi có dịp quay lại chúng tôi có còn được đắm mình trong ngút ngàn những cánh rừng nguyên sinh nơi đây?