Đắk Lắk tập trung bảo vệ rừng, bảo tồn voi và thủy tùng

ThienNhien.Net – UBND tỉnh Đắk Lắk vừa yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn thành các đề án, dự án đã được phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, trong đó có dự án bảo tồn voi và bảo tồn loài – sinh cảnh Thủy tùng.

Với dự án bảo tồn voi, mục tiêu mà UBND tỉnh đề ra là phải quản lý, bảo tồn bền vững quần thể 10 đàn voi hoang dã với số lượng từ 83 – 110 cá thể trong các khu sinh cảnh ổn định ở Vườn Quốc gia Yok Đôn, các lâm phần ở phía bắc huyện Ea Súp thuộc các công ty TNHH một thành viên: Ya Lốp, Ea H’Mơ, Chư Phả và Ea Wy (huyện Ea H’Leo).

Về việc phát triển đàn voi nhà của tỉnh, đối với số cá thể voi nhà còn lại, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức, quản lý, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và nghiên cứu sinh sản tự nhiên hoặc nhân tạo để phục vụ du lịch quảng bá hình ảnh của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ thực hiện các chính sách để bảo đảm thu nhập cho chủ voi, nghệ nhân voi tham gia vào chương trình bảo tồn và phát triển voi nhà.

Voi phục vụ du lịch tại khu du lịch hồ Lắk, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: daklak.gov.vn)

Ngoài dự án bảo tồn voi, dự án bảo tồn loài – sinh cảnh Thủy tùng cũng được đặt ra cấp thiết trước sự săn lùng, tận diệt loài gỗ quý này.

Đắk Lắk hiện còn lại ba địa điểm có Thủy tùng là Trấp K’Sơ ở huyện Krông Năng (31 cây), Ea Răl ở huyện Ea H’Leo (219 cây) và Cư Né ở huyện Krông Búk (5 cây), tổng cộng có 255 cây thủy tùng có độ tuổi 50-600 tuổi, đường kính 20-180cm.

Theo đó, dự án bảo tồn sẽ thiết lập hệ thống quản lý, giám sát lâu dài loài và sinh cảnh quần thể Thủy tùng trên địa bàn tỉnh để duy trì và hướng đến sự phát triển quần thể cây gỗ quý này một cách bền vững, phục vụ nghiên cứu khoa học và đời sống. Dự án cũng đồng thời thực hiện quản lý theo quy hoạch, gồm các vùng lõi, phục hồi sinh thái, dịch vụ hành chính và vùng đệm thích hợp cho nhu cầu bảo tồn lâu dài.

Song song với hai nhiệm vụ trên, UBND tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác bảo vệ rừng tận gốc và ban hành cơ chế quy định kiểm soát chặt chẽ lâm sản tại nơi chế biến, tiêu thụ; tăng cường lực lượng kiểm lâm cơ sở, bình quân 1.000 ha rừng có 1 biên chế kiểm lâm, đảm bảo xã có rừng là có kiểm lâm địa bàn; xây 13 trạm kiểm lâm địa bàn liên xã.

Để nhanh chóng phát hiện những diễn biến về hiện trạng rừng cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng năng lực kiểm tra, kiểm soát và quản lý rừng bằng ảnh vệ tinh, hệ thống thông tin địa lý; quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản trên địa bàn, di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm công nghiệp; sử dụng nguồn tài nguyên hợp pháp với công nghệ sản xuất tinh chế hiện đại có công suất và năng lực sản xuất từ 3.000 m3 gỗ/năm/cơ sở.