Phú Yên: Cần xử lý mạnh tay sai phạm ở mỏ sắt Phong Hanh

ThienNhien.Net – Mỏ sắt Phong Hanh (xã An Định, huyện Tuy An, Phú Yên) đi vào hoạt động từ năm 2008. Từ đó đến nay, đơn vị khai thác liên tục vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường khiến dư luận đặt ra câu hỏi có nên để mỏ sắt này tiếp tục tồn tại.

Một góc bể chứa bùn thải của công ty Sơn Giang Phú Yên (Ảnh: Người lao động)

Theo giấy phép do UBND tỉnh Phú Yên cấp cho Công ty TNHH luyện kim Sơn Giang Phú Yên (SGPY), đơn vị này được khai thác trên diện tích 21ha và phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường.

Tuy nhiên, theo phản ánh của Công an nhân dân ngày 17/11/2011, SGPY đã khai thác vượt quá phạm vi cho phép 59 mét, đồng thời tự ý xây dựng thêm một hồ chứa nước diện tích hơn 1000m2 ở phía Tây Bắc (cũng nằm ngoài phạm vi đất đã thuê) để tuyển quặng sắt.

Ở phía Đông, công ty này xây dựng hai túi bùn thải nằm gần sông Đa Sa, các hồ chứa được đắp quá sơ sài, bùn trong hồ chứa chỉ còn cách thành hồ hơn 40cm nên nguy cơ vỡ bờ bao rất cao khi mọi chất thải dồn hết vào đó, gây nguy hiểm cho người dân.

Mặt khác, để làm hồ chứa bùn, công ty đã cho ngăn đắp sông khiến lòng sông bị thu hẹp, vào mùa mưa lũ áp lực dòng chảy lớn gây ngập hàng chục hộ dân trong vùng. Qua tháng năm, nhiều đoạn của dòng sông này cũng đã bị bùn bồi lấp.

SGPY cũng tự ý khoan giếng sử dụng nước ngầm, không vận hành hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy trình và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dù mới đây đã bị phạt 130 triệu đồng nhưng công ty vẫn tái phạm khi xả chất thải và sử dụng hồ chứa xây dựng trái phép để tinh tuyển sắt.

Việc vận chuyển quặng sắt của SGPY cũng gây ảnh hưởng cho người dân. Mỗi ngày người dân thôn Phong Hanh phải hứng chịu lượng bụi và tiếng ồn của hàng trăm xe vận chuyển. Hiện con đường bê tông đã bị bong tróc do lưu lượng xe ô tô qua lại quá lớn.

Quặng, chất thải của nhà máy luyện quặng khiến con mương trước làng cũng bị đỏ đục vào mùa khô. Suối Lỗ Lầy, nơi sinh sống của hàng chục hộ dân bị nhiễm sắt nên người dân phải dùng bình lọc để uống. Người dân cho biết năm 2010 và đợt mưa lũ tháng 10 vừa rồi, nước trong hồ rò rỉ qua bờ chắn chảy ra ruộng gây ô nhiễm, khiến chừng 10ha lúa ở hai thôn Phong Hanh và Phong Thăng đỏ gốc, giảm năng suất tới 40%.

Thêm nữa, SGPY còn vi phạm cả nội dung trong giấy chứng nhận đầu tư khi ký hợp đồng bán quặng tinh cho một doanh nghiệp tư nhân để xuất sang Trung Quốc, trong khi giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Phú Yên cấp chỉ phục vụ cho nhà máy luyện kim tại địa phương.

Những sai phạm nói trên cho thấy đơn vị khai thác cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan chức năng, nhất là tỉnh Phú Yên cần kiên quyết xử lý mạnh tay với những vi phạm này để chấn chỉnh tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn và đảm bảo an toàn cho người dân.