Thông đỏ bắc

ThienNhien.Net – Đến Pà Cò, ngoài vẻ đẹp kỳ vĩ của núi đá hiểm trở, bạn còn có thể bắt gặp nhiều loài thực vật quý hiếm, một trong số đó là Thông đỏ Bắc (Taxus chinensis L. subsp), một trong những loài thực vật lá kim quý hiếm của Việt Nam, thuộc nhóm sẽ nguy cấp (VU) trong Sách đỏ Việt Nam 2007.

 

Thông đỏ Bắc – cây trưởng thành (Ảnh: Minh Xuân)

Thông đỏ Bắc là cây gỗ lớn thường xanh, mọc chủ yếu ở khu vực núi đá vôi với độ cao từ 900 – 1500m. Cây có hình thế đẹp, lá dày, mặt trên lá xanh đậm, mặt dưới xanh vàng, quả đỏ mọng rất đẹp, có giá trị làm cảnh hoặc cây bon sai. Hạt của Thông đỏ Bắc được dùng làm thuốc, lá và vỏ cây cũng được chiết xuất thành hợp chất taxol giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh ung thư.

“Trong khi Thông đỏ Nam (Taxus wallichiana) gặp khá nhiều ở các vùng núi tại Nam Tây Nguyên thì Thông đỏ Bắc ít được biết đến hơn vì chúng hiếm gặp và mọc phân tán, ít khi thu được mẫu hạt.

Ở Việt Nam, loài thực vật này hiện mới được ghi nhận tại các vùng núi đá như Văn Bàn (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Yên Châu (Sơn La), Quản Bạ (Hà Giang). Để bảo vệ và duy trì sự phát triển của chúng, ngoài việc bảo tồn tại chỗ, cần tăng cường các hoạt động bảo tồn ngoại vi.

Thông đỏ Bắc tái sinh tự nhiên (Ảnh: Minh Xuân)
Cành mang nón cái (Ảnh: Minh Xuân)

Vừa qua, với sự trợ giúp của Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã nhân giống thử nghiệm loài Thông đỏ Bắc bằng phương pháp giâm hom, kết quả rất khả quan. Việc nhân giống thành công loài cây này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì ngoài mục tiêu bảo tồn, chúng còn có thể thúc đẩy tính khả dụng của Thông đỏ Bắc trong việc làm cảnh cũng như chế thuốc.