Đà Nẵng muốn cắt đất rừng làm thủy điện phải trình Quốc hội

ThienNhien.Net – Phúc đáp tờ trình của UBND thành phố Đà Nẵng về việc xin chuyển mục đích sử dụng 239,69 ha đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để xây dựng dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, thành phố cần thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội, tức dự án buộc phải trình Quốc hội xem xét thông qua trước khi tiến hành chuyển đổi.

Theo báo cáo của UBND thành phố, dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc do Công ty cổ phần thủy điện Geruco Sông Côn làm chủ đầu tư có nhu cầu sử dụng 948,41 ha đất, trong đó có 650,95 ha đất thuộc lòng hồ thủy điện là đất đã được chuyển đổi sang mục đích khác, còn 239,69 ha là đất rừng đặc dụng chưa chuyển sang mục đích khác để xây dựng các công trình phụ trợ và công trình chính của dự án thủy điện.

Sông Cu Đê (Ảnh: danang.gov.vn)

Do đó, nếu muốn xin chuyển đổi gần 240 ha đất rừng nêu trên, thành phố cần chỉ đạo các ngành chức năng và chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, dự án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định.

Dự án thủy điện Sông Nam- Sông Bắc được xây dựng trên sông Nam, Sông Bắc – vốn là hai nhánh cấp 1 của sông Cu Đê. Toàn bộ khu vực dự án nằm trọn trong địa phận xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng 25km về phía Tây Bắc. Dự án bao gồm ba nhà máy thủy điện là Sông Bắc 1, Sông Bắc 2 và Sông Nam với tổng công suất lắp máy 49,2 MW. Thời gian dự kiến hoàn thành công tác đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Sông Bắc 2 là vào năm 2013, hoàn thành cụm nhà máy thủy điện Sông Bắc 1, Sông Nam và hòa vào lưới điện quốc gia năm 2014.

Được biết, từ ngày 18/5/2007, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản đồng ý chủ trương cho phép đầu tư xây dựng cụm dự án thủy điện tại huyện Hòa Vang. Tháng 6/2009, thành phố tiếp tục ra quyết định về việc thu hồi đất cho Công ty Geruco Sông Côn thuê đất để đầu tư dự án thủy điện Sông Nam – Sông Bắc. Đến tháng 6/2010, dự án chính thức được khởi công.

Trong khoảng thời gian này, không ít ý kiến đã bày tỏ mối nghi ngại về những tác động tiêu cực mà dự án có thể gây ra đối với môi trường và sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, đặc biệt là việc thu hồi diện tích đất quá lớn liệu có làm ảnh hưởng tới đời sống đồng bào dân tộc Cơ Tu tại khu vực xây dựng.

Tuy nhiên, theo thông tin trong một bài báo được đăng tải cách đây hai năm, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương, nay là Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhất mực khẳng định, mặc dù tổng diện tích đất thu hồi là 948 ha nhưng theo quy hoạch thì chỉ có khoảng 100 ha đất rừng sản xuất của 70 hộ dân. Các hộ cũng chỉ bị thu hồi một phần chứ không phải thu hồi 100% diện tích đất, phần còn lại vẫn đảm bảo cho họ sản xuất. Tuy nhiên, con số 100 ha nêu trên dường như hơi “vênh” so với báo cáo mà UBND thành phố đã gửi Bộ Nông nghiệp.

Cũng có ý kiến thắc mắc, tại sao dự án đã triển khai được hơn một năm nhưng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thiện. (!?)