Dơi ngựa lớn tại rừng tràm Trà Sư

ThienNhien.Net – Là loài lớn nhất trong họ dơi quả Pteropodidae, thuộc bộ dơi Chiroptera, Dơi ngựa lớn sở hữu chiếc lưng màu đen với đường sọc xám; phía sau đầu và cổ màu nâu cam; phần còn lại của đầu và phần thân dưới màu hơi đen. Loài thú đặc biệt này thường sống thành đàn lớn trên các cành cây ở các khu rừng ngập mặn, chúng phải bay qua những chặng đường dài vào ban đêm để tìm kiếm thức ăn, còn ban ngày thì treo mình nằm ngủ vắt vẻo trên cành cây. Dơi ngựa lớn phân bố nhiều ở khu vực phía Nam Miến Điện, Thái Lan, Indônêxia, bán đảo Mã Lai, Philipin… Tại Việt Nam, chúng xuất hiện khá phổ biến ở rừng U Minh (Kiên Giang) và chùa Dơi (Sóc Trăng). Năm 2009, các nhà khoa học từng ghi nhận quần thể dơi ngựa lớn lớn nhất tại Việt Nam với số lượng lên đến 1.500 cá thể tại rừng tràm ngập nước thuộc xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Mới đây, hình ảnh của chúng lại bị bắt gặp tại rừng tràm Trà Sư, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Hình ảnh dơi ngựa lớn địu con cùng bay - cảnh tưởng hiếm gặp trong sinh hoạt của loài thú đặc biệt này