Hà Nội: Tích cực ứng phó với thiên tai trong những năm tới

Trong những năm tới, Hà Nội tập trung kiên cố bờ kè ở các điểm dân cư nông thôn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Bùi… Ảnh: ThienNhien.Net

ThienNhien.Net – UBND Thành phố vừa phê duyệt dự án “Rà soát, bổ sung quy hoạch các khu dân cư nông thôn vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai thành phố Hà Nội giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”.

Dự án nhằm rà soát, bổ sung quy hoạch khu dân cư, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai của thành phố Hà Nội, trong đó tập trung vào các điểm dân cư nông thôn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng, sông Cà Lồ, sông Bùi… và vùng đặc biệt khó khăn về đời sống. Đồng thời, xây dựng Quy hoạch bố trí dân cư, trong đó xác định các giải pháp cần đầu tư và xác định bước đi đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đưa ra các danh mục, các dự án ưu tiên đầu tư, phân kỳ đầu tư cho từng giai đoạn.

Dự kiến, giai đoạn 2010-2015, Thành phố cơ bản hoàn thành việc di dời và ổn định dân cư cho 1.326 hộ phải di dời ngay do có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao; xây dựng kè bờ sông cho 3.015 hộ có nguy cơ do sạt lở, sụt lún nhưng không phải di dời và bố trí tái định cư cho 189 hộ làng chài. Giai đoạn 2016-2020, sẽ nâng cao khả năng phòng chống thiên tai và ổn định sản xuất cho 28.646 hộ bao gồm các hộ chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, vùng thường xuyên úng ngập khi mưa lũ gây khó khăn cho đời sống. Đầu tư tăng cường cơ sở hạ tầng như kè bờ sông, hệ thống cứu hộ, cứu nạn và một số công trình sinh hoạt để ổn định cuộc sống; xây dựng các phương án sản xuất nhằm mục đích tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ thuộc các xã đặc biệt khó khăn…

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Thành phố đã có các giải pháp như: Bố trí đất đai, mặt bằng, vốn, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư để di chuyển các hộ dân bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở cao đến nơi ở mới; xây dựng cơ sở hạ tầng để ổn định dân cư tại chỗ nơi các hộ có nguy cơ bị sạt lở nhưng không phải di dời, các hộ vùng thường xuyên bị ngập úng ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống; phát triển sản xuất, đào tạo nghề; xây dựng các đoạn đường cứu hộ cứu nạn cho các vùng bị ngập lụt. Ngoài ra, còn có các giải pháp về cảnh báo sớm, tuyên truyền, tổ chức chỉ đạo xây dựng các điểm cứu hộ, điểm sơ tán trong trường hợp khẩn cấp…