Cần nâng cao vai trò cộng đồng trong quản lý tài nguyên nước

ThienNhien.Net – Luật Tài nguyên nước sửa đổi là một trong 13 dự án luật được Quốc hội thảo luận và cho ý kiến trong  kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII, sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới đây.

Một trong những cơ sở quan trọng dẫn đến việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước lần này là do Luật Tài nguyên nước 1998 có nhiều điểm hạn chế và không còn phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay. Cho tới nay, dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được sửa đổi, bổ sung qua vòng thứ 5.

Bên cạnh các cơ quan quản lý nhà nước, dự án Luật này nhận được mối quan tâm của nhiều chuyên gia và tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực môi trường và phát triển. Các ý kiến của họ đã được trình bày và tổng hợp tại cuộc hội thảo “Tham vấn và đóng góp ý kiến của xã hội dân sự cho Luật tài nguyên nước sửa đổi” do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 24/8/2011.

 

Nhóm công tác Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng vai trò vùng đầu nguồn của các lưu vực sông còn chưa được chú trọng đúng mức trong Dự thảo Tài nguyên nước sửa đổi.

Một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi cần xác định rõ quyền sở hữu tài nguyên nước thuộc về toàn dân, đồng thời quy định việc chia sẻ lợi ích từ tài nguyên nước giữa các bên, nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc quy hoạch, khai thác, sử dụng và giám sát việc quản lý tài nguyên nước thông qua tham vấn và quá trình ra quyết định. Luật cần xác định rõ hơn trách nhiệm của các Bộ, ngành.

Kết quả rà soát và góp ý cho Dự thảo 5 của nhóm công tác thuộc Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết dự thảo Luật mới có nhiều nội dung mới tiến bộ so với Luật Tài nguyên nước 1998. So với bản Dự thảo lần thứ 4, dự thảo 5 đã được thu gọn hơn rất nhiều, từ 13 chương 111 điều xuống còn 10 chương 86 điều. Nỗ lực này của các nhà làm luật trên quan điểm Luật cần cụ thể nhưng không sa vào chi tiết đã được đánh giá cao. Song, theo các chuyên gia, nội dung quản lý tổng hợp tài nguyên nước và theo lưu vực sông đã không được đánh giá đúng mức trong bản dự thảo mới. Hai nội dung Quản lý lưu vực sông, Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi – đều là những vấn đề quan trọng – trong bản dự thảo trước được xây dựng thành các chương riêng biệt, nay đã bị rút gọn, đưa vào lồng ghép cùng với các nội dung khác. Vấn đề bảo vệ tài nguyên nước vùng đầu nguồn còn chưa được quan tâm.

Được biết, Cục Quản lý Tài nguyên Nước thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường – đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi – đã tổ chức một hội thảo tại Đà Nẵng hồi trung tuần tháng 8 lấy ý kiến góp ý của các Sở, ban, ngành. Các hội thảo tham vấn doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ về dự luật này dự kiến sẽ diễn ra trong tháng tới.