Ám ảnh rác ngoại thành

ThienNhien.Net – Thật khó để có thể trả lời chính xác rằng khi nào Hà Nội sẽ hết cảnh rác lấn đường bởi với lượng dân số tăng nhanh, với nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ngày càng mạnh thì quỹ đất của thành phố tất yếu trở nên hạn hẹp và khả năng xử lý rác cũng ngày một quá tải. Và không chỉ ở nội thành, hầu hết các vùng ngoại thành Hà Nội hiện nay, rác cũng đang là vấn nạn.

Rác lấn đường

Xã Cao Viên, huyện Thanh Oai hiện có 4 bãi rác tập trung, trong đó bãi lớn nhất có diện tích 2000m2, bãi nhỏ nhất 500m2. Trung bình mỗi ngày, các bãi phải tiếp nhận gần 5 tấn rác nên chỉ sau một thời gian ngắn đã không thể đáp ứng việc tập kết và chôn lấp tại chỗ. Toàn bộ lượng rác dư thừa vì thế được đổ bừa tại nhiều điểm công cộng.

Bãi rác cạnh cầu thôn Trung, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội ngày một đầy...

Điển hình là bãi rác tự phát nằm chềnh ềnh trên đoạn đường dài 1,5km nối QL 21B với xã Cao Viên, đi qua thôn Trung. Bãi rác này đã tồn tại từ nhiều năm, vốn là nơi tập kết rác của gần 1.000 hộ, hiện bốc mùi nghiêm trọng, gây ô nhiễm cho toàn vùng. Thôn tuy thành lập được đội thu gom nhưng rút cục rác chỉ được vận chuyển từ nhà ra bãi chứ không hề được chuyên chở đi nơi khác.

“Trước đây, thỉnh thoảng tôi có thấy xe môi trường về chở rác đi nhưng năm nay thì không thấy nữa. Cách đây mấy tháng, rác còn bị đổ tràn ra nửa đường, may là có nhà họ kinh doanh vật liệu cần lối đi cho xe vận chuyên nên đã cho xe ủi đi bớt” – ông Nguyễn Trong Sức, thôn Trung bức xúc.

Theo nhiều bà con trong thôn, việc rác lấn đường “chưa ăn nhằm gì”, lúc đốt rác mới là khổ. Rác tại Cao Viên phần lớn là túi ni lông nên khi đốt bốc khói đen sì, mùi cực kỳ khó chịu, gây khó thở cho hàng trăm hộ dân, đặc biệt là những nhà nằm đầu làng, chưa biết ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao. Tuy bất bình nhưng gia đình ông Sức cũng như nhiều hộ dân khác không dám than trách ai bởi suy cho cùng lượng rác ngất ngư này cũng có phần của chính gia đình họ.

Trao đổi về sự việc này, ông Nguyễn Đăng Lương, Chủ tịch UBND xã Cao Viên cho biết, đối với bãi rác gần cầu thôn Trung, xã đã có chủ trương đến năm 2012 sẽ di dời toàn bộ vào sâu khoảng 70m về phía cánh đồng nhằm tránh tình trạng rác bị đổ tràn ra đường. Tuy nhiên, phương pháp xử lý vẫn giữ nguyên như cũ, bao gồm việc đốt và chôn lấp tại chỗ.

Nếu quả đúng như lời ông Lương nói thì việc di chuyển bãi rác thực chất chỉ là biện pháp bề nổi mang tính tạm thời bởi tuy được quy hoạch gọn hơn so với trước nhưng điều đó không có nghĩa là nguồn nước ngầm và bầu không khí ở thôn Trung hết ô nhiễm.

Được mình vạ người

Tương tự như Cao Viên, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức cũng đang đau đầu không kém với rác.

Trước đây, rác tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên được đổ ngay cạnh bờ sông Đáy thuộc khu vực xóm 1. Vì ở sát sông nên mỗi trận mưa to là lượng rác lớn lại bị nước cuốn trôi. Cũng vì thế mà bãi rác chưa bao giờ đầy dù chẳng khi nào được vận chuyển đi nơi khác, người dân trong vùng thấy vậy càng được thể đổ rác một cách tự nhiên.

Người dân thôn Phương Bảng, xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội rất bức xúc trước việc rác được đổ tại cầu Tiền Yên

Tuy nhiên, đến cuối 2010, khu vực sông này nằm trong quy hoạch cải tạo sông Đáy nên đơn vị thi công không cho phép người dân tiếp tục đổ rác ra bãi nữa. Trong khi chờ quy hoạch bãi đổ mới thì chính quyền xã tìm được bãi đổ rác tạm ở khu vực cầu Tiền Yên, trên đường liên xã.

Tưởng là đã êm chuyện, nào ngờ bãi rác bất đắc dĩ (sâu chừng 5-6m, dài khoảng 120m) lại vô tình gây ô nhiễm cho người dân thôn Bảng, xã Song Phương. Họ rất bức xúc khi xã láng giềng đổ rác ngay tại khu vực cầu Tiền Yên, khiến mỗi khi có gió thổi qua là toàn bộ mùi hôi thối bốc lên đều dồn về Song Phương.

“Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến bất bình của người dân Phương Bảng cũng như lãnh đạo xã Song Phương về bãi rác tạm tại cầu Tiền Yên. Sắp tới, chúng tôi sẽ có quy hoạch bãi rác cho thôn Tiền Lệ và cho cả xã sao cho hợp lý, đồng thời gửi kiến nghị lên huyện mong sớm tìm giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này” – ông Nguyễn Như Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Yên cho biết.

Điều đáng nói là tại Hoài Đức hiện nay không chỉ có xã Tiền Yên và Cao Viên ở trong tình trạng ngập ngụa rác mà hiện còn rất nhiều điểm rác tạm gây ô nhiễm trầm trọng như xã Đông La, xã Vân Côn, xã Yên Sở…

Nhận định về hướng giải quyết cho vấn nạn rác thải, ông Nguyễn Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Tài nguyên&Môi trường Hoài Đức khẳng định: “Việc vận chuyển rác thải trên địa bàn huyện về các bãi chôn lấp hiện chỉ đạt 57 tấn/ngày (tương ứng 67%). Vì thế, huyện đã xây dựng quy hoạch đến năm 2015, định hướng 2020 với mục tiêu xây dựng 50 điểm trung chuyển rác, tổng diện tích 28,8ha. Hy vọng rằng với phương án này, trong tương lai gần vấn đề rác thải ở Hoài Đức sẽ được giải quyết về cơ bản”.

Biết nhưng phải… chờ

Hàng nghìn tấn rác được thải ra mỗi ngày đang là nỗi ám ảnh đối với người Hà Nội và đang đặt áp lực không nhỏ lên các dự án/khu xử lý rác thải tập trung. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cách đây không lâu cũng từng đưa ra cảnh báo, với khối lượng rác tăng trung bình 15%/năm như hiện nay thì chỉ đến năm sau (2012), các bãi chứa rác của Hà Nội sẽ đầy ứ và không còn năng lực để xử lý.

Trong khi thành phố tiếp tục hối thúc các dự án xử lý rác thì tại nhiều điểm,bãi chứa nhỏ, điều cảnh báo ấy đã trở thành hiện thực. Điều đáng nói là mỗi khi được hỏi về các biện pháp xử lý vấn nạn rác thải thì không ít đại diện cơ quan chức năng lại lựa chọn câu trả lời ở “thì” tương lai, tức biết đó nhưng còn phải chờ, chờ  quy hoạch, chờ dự án xử lý rác, chờ bố trí tái định cư…

Phải thừa nhận rằng thành phố đã có quan tâm, nhưng một khi bài toán hóc búa này chưa được giải quyết thấu đáo thì việc để xảy ra mâu thuẫn giữa người dân và đơn vị vận chuyển, xử lý rác là điều khó có thể tránh khỏi. Vụ việc 100 hộ dân xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây tụ tập chặn đường, không cho xe đưa rác vào bãi vì bức xúc bãi rác quá tải, gây ô nhiễm nặng khu dân cư lân cận xảy ra mới đây không khỏi khiến người ta phải giật mình. Lẽ nào câu chuyện rác ngay tại thủ đô Hà Nội cứ mãi tái diễn.

Nhằm đối phó với vấn nạn rác thải trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh mới đây đã có chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc xử lý rác thải, chất thải, tiến độ đầu tư các công trình xử lý chất thải trên địa bàn. Phó Chủ tịch yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại Sóc Sơn, Sơn Tây, Chương Mỹ.

Trong tháng 7/2011, UBND thành phố cũng ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan chỉ đạo việc siết chặt hoạt động kiểm soát ô nhiễm, yêu cầu đảm bảo 100% rác thải được thu gom và xử lý trong ngày, 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn.