Để năng lượng tái tạo không tăng áp lực lên môi trường biển

ThienNhien.Net – Trong bối cảnh loài người đang theo đuổi hoài bão phát triển năng lượng tái tạo nhằm vươn tới một nền kinh tế toàn cầu bền vững, đi kèm với giảm lượng phát thải nhà kính, môi trường biển đã nhanh chóng trở thành một lựa chọn lý tưởng cho loại hình năng lượng sạch này. Tuy nhiên, nếu cứ chuyển dần mức độ tập trung sang môi trường biển thì vô hình chung, chúng ta đang và sẽ làm tăng áp lực lên các đại dương – hệ sinh thái đang bị đe dọa.

Báo cáo Năng lượng do Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) công bố đầu năm 2011 dự báo rằng môi trường biển có thể cung cấp khoảng 6% nhu cầu năng lượng tương lai, chủ yếu thông qua sức gió ngoài khơi cũng như các nguồn thủy triều và sóng. Song, để đạt được con số ấy, chúng ta phải lắp đặt thêm 100.000 tua-bin gió ngoài khơi.

Vận hành các trang trại gió ngoài khơi – một trong những giải pháp thiết thực đáp ứng nhu cầu cung cấp năng lượng tái tạo cho các thế hệ tương lai (Ảnh: X-journals.com)

Còn theo một báo cáo khác xuất bản trên tạp chí Energy Policy (Chính sách Năng lượng) thì ứng dụng năng lượng thủy triều và sóng sẽ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu năng lượng trong tương lai, nhưng muốn góp phần thực hiện mục tiêu 100% năng lượng là nguồn tái tạo, chúng ta phải có thêm 720.000 thiết bị sóng và gần 0,5 triệu tua-bin thủy triều.

Điều này chắc chắn sẽ kéo theo vô số hậu quả tiêu cực đối với môi trường biển.

Thêm nữa, cũng cần lưu ý tới những áp lực mà môi trường biển đang phải gánh chịu từ ngành hàng hải, du lịch, đánh cá và hiện nó vẫn nằm trong số những hệ sinh thái bị đe dọa nặng nề nhất trên hành tinh của chúng ta.

Để đạt 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030 cần lắp đặt:• 3.800.000 x 5 MW tua-bin gió
• 49.000 x 300 MW nhà máy năng lượng mặt trời tập trung
• 40.000 x 300 MW nhà máy quang điện mặt trời (PV)
• 1,7 tỷ x 3 kW hệ thống mái nhà điện mặt trời
• 5.350 x 100 MW nhà máy điện địa nhiệt
• 270 x 1.300 MW nhà máy thủy điện
• 720.000 x 0,75 MW thiết bị sóng
• 490.000 x 1 MW tua-bin thủy triều.

(Theo Chính sách Năng lượng, Jacobson, 2010)

Tuy nhiên, nếu được lên kế hoạch cẩn trọng và quản lý tốt, các trang trại gió ngoài khơi cũng có thể đảo đảm rằng đời sống của các sinh vật đại dương không bị xáo trộn nghiêm trọng, đồng thời gia tăng giá trị đa dạng sinh học biển thông qua việc tạo đá ngầm nhân tạo hoặc quy định các vùng cấm đánh bắt.

Chỉ có điều, về lâu về dài, con người cần xây dựng những chiến lược hiệu quả hơn mới hy vọng đáp ứng được nhu cầu năng lượng tái tạo mà không làm tăng thêm áp lực cho các đại dương.

Đặc biệt, vấn đề hoạch định chủ động hơn là rất cần thiết để đảm bảo rằng các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo được thiết lập ở địa điểm phù hợp – phù hợp cả về kỹ thuật, kinh tế, cũng như trên quan điểm bền vững về môi trường-xã hội. Ngoài ra cần chú trọng đảm bảo tính bền vững cho phát triển năng lượng và đẩy mạnh việc hoạch định chính sách có tính đến tất cả các bên liên quan.