Đường bền vững lần đầu có mặt trên thị trường

ThienNhien.Net – Nhà máy Raízen Maracaí ở Sao Paulo (Brazil) vừa trở thành cơ sở sản xuất mía đường đầu tiên trên thế giới đạt tiêu chuẩn bền vững Bonsucro.

“Điều này sẽ vĩnh viễn làm thay đổi ngành công nghiệp mía đường”, Kevin Ogorzalek, cán bộ chương trình của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) – Mỹ, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Bonsucro, khẳng định.

Ông cho hay: “Đường có mặt ở khắp mọi nơi, do đó rất dễ hiểu vì sao chúng tôi phải làm việc với các nhà lãnh đạo thị trường uy tín để đảm bảo rằng các mặt hàng chủ lực, giống như mía đường, sẽ gia tăng về số lượng nhưng phải tuân theo phương thức sử dụng bền vững hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thông qua việc tiếp cận dựa trên thị trường, WWF và ngành công nghiệp mía đường sẽ tiếp tục hợp tác nhằm củng cố, phát triển bộ tiêu chuẩn nói trên, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn các vùng cư trú nguy cấp”.

Chứng nhận tiêu chuẩn về tính bền vững của các sản phẩm mía đường cần được nhân rộng trên toàn cầu (Ảnh minh họa: Thebraziltravelsite.com)

Được biết, nhà máy Raízen Maracaí là cơ sở đầu tiên áp dụng chứng nhận tiêu chuẩn bền vững về môi trường và xã hội của Bonsucro. Trên 130.000 tấn đường và 63.000 m3 xăng sinh học (ethanol) của nhà máy này đã được thừa nhận là hoàn toàn phù hợp với bộ tiêu chuẩn mới. Và Công ty Coca-Cola Brazil chính là khách hàng đầu tiên của loạt sản phẩm “đường bền vững” vừa xuất hiện trên thị trường.

Với vai trò của một hiệp hội quốc tế đa phương, Bonsucro quy tụ đủ các thành viên từ nhà sản xuất, khách hàng đến nhà đầu tư, tổ chức phi lợi nhuận, cùng nhau cam kết hướng tới một nền sản xuất mía đường bền vững và từng bước tạo chuyển biến cho ngành công nghiệp lâu đời này. 

Phát triển từ Sáng kiến Mía đường Cải tiến của WWF, sáng kiến đa phương toàn cầu Bonsucro ra đời nhằm mục tiêu giảm thiểu các tác động về môi trường và xã hội của hoạt động sản xuất mía đường. Tiêu chuẩn Bonsucro được dùng để đánh giá những tác động đáng kể nhất từ ngành công nghiệp này đối với lĩnh vực thực thi luật pháp, ảnh hưởng lên đa dạng sinh học và hệ sinh thái, nhân quyền, sản xuất và chế biến; đồng thời thúc đẩy sự cải tiến liên tục trong suốt quy trình sản xuất. Đặc biệt, việc đánh giá không thể bỏ qua ba tiêu chí: tiêu thụ năng lượng, phát thải khí nhà kính và sử dụng nguồn nước.