Bình Định: Nuôi tôm trên cát, môi trường suy thoái

Dải bờ biển rộng lớn ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ (Bình Định) tan hoang vì dày đặc các hồ nuôi tôm trên cát.Ảnh:SGTT

ThienNhien.Net – Nhiều dự án nuôi tôm trên cát ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ồ ạt triển khai; các ao hồ, đầm phá chi chít mọc lên khiến nhiều bãi biển tan hoang, nhiều khu rừng phòng hộ ven biển biến mất. Tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt, nước ngầm cạn kiệt, chất thải từ nuôi tôm chưa qua xử lí gây ô nhiễm… đang trở thành vấn đề nhức nhối.

Theo Sài gòn Tiếp thị 11/6/2011, vùng nuôi tôm trên cát ở các xã Mỹ An, Mỹ Thắng là bãi ngang ven biển, khu vực có nguồn nước ngọt rất hạn chế so với các nơi khác; trước đây người dân đã thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt. Khi phong trào nuôi tôm trên cát rộ lên thì khắp nơi trong vùng giếng khoan mọc lên tràn lan để lấy nước phục vụ cho việc nuôi tôm. Trung bình mỗi hecta nuôi tôm trên cát cần đến 50.000m3 nước ngọt. Việc khai thác nước ngầm phục vụ nuôi tôm trên cát gây nguy cơ làm sụt lở địa tầng, cạn kiệt nguồn nước ngọt, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt.

Kết quả khảo sát của chi cục Bảo vệ môi trường Bình Định cho biết, tầng nước ngọt ngầm ở các vùng nuôi tôm trên cát của tỉnh này đã bị nhiễm mặn, với các giếng đóng có độ sâu từ 4 – 5m nước đã bị nhiễm mặn 6 – 9‰, người dân phải khoan giếng hơn 20m mới tìm thấy nước.

Thêm nữa, Ông Bùi Thái Sơn, Phó phòng tài nguyên và môi trường huyện Phù Mỹ cho biết, hầu như chưa có một hồ nuôi tôm trên cát nào ở Phù Mỹ có hệ thống xử lý chất thải, phần lớn xả thẳng ra những chỗ đất trũng hoặc thải trực tiếp ra biển khiến môi trường biển ô nhiễm.