Thay đổi “vũ khí” chống sốt rét

ThienNhien.Net – Nằm trong danh sách các hóa chất hữu cơ độc hại gây ô nhiễm lâu dài, DDT đã bị cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối và cấm sử dụng ở các nước công nghiệp từ những năm 1970. Tuy nhiên, do tác dụng chống sốt rét, kiểm soát nạn sâu rầy ở nhiều nước đang phát triển, nên suốt nhiều năm nay, một số quốc gia đang phát triển vẫn tiếp tục sử dụng DDT, bất kể những ảnh hưởng tiêu cực đã được cảnh báo của nó đối với môi trường và sức khỏe con người.

DDT – Hóa chất gây ô nhiễm lâu dài lại là “vũ khí” chống dịch sốt rét

Hội thảo lần thứ 5 trong khuôn khổ Hội nghị Công ước Stockholm về Các loại hóa chất hữu cơ độc hại gây ô nhiễm lâu dài (Persistent Organic Pollutants – POPs) với sự góp mặt của đại diện 173 quốc gia, vùng lãnh thổ cuối tháng 4 vừa qua đã nhất trí về danh sách 22 hóa chất độc hại phải bị cấm trên toàn cầu. Riêng vấn đề thay thế DDT tuy chiếm đa số phiếu đồng tình, song việc cấm hoàn toàn hóa chất này vẫn nằm ngoài chương trình nghị sự của Hội thảo.

Là người cực lực phản đối sử dụng POPs, bao gồm cả DDT, ông Björn Beeler – điều phối viên quốc tế của Mạng lưới Quốc tế Loại trừ POPs (IPEN) cho biết: “Đây là những hóa chất tệ hại nhất mà con người tạo ra. Chúng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thế hệ tương lai mà còn tích lụ lâu dài trong môi trường (không khí, lòng đất, nguồn nước) và lan tới khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả vùng Bắc cực”.

Và có lẽ trong số POPs, DDT là loại thông dụng hơn cả. Hiện Ấn Độ là quốc gia duy nhất còn sản xuất DDT. Mặc dù đã bị cấm sử dụng từ cuối những năm 70 của thế kỷ XX ở các nước công nghiệp, song vì khả năng chống lại căn bệnh sốt rét, DDT vẫn được dùng ở nhiều nước đang phát triển dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thậm chí, chương trình kiểm soát dịch sốt rét lớn ở châu Phi bằng các hóa chất nói trên còn được Chương trình Sáng kiến Phòng chống Sốt rét của Tổng thống Mỹ (US President’s Malaria Initiative) cấp vốn thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Phun DDT trong nhà để chống muỗi (Ảnh: Agfax.net)

Thêm vào đó, ngành y tế cũng cho rằng DDT là lựa chọn hiệu quả và vừa túi tiền để loại trừ muỗi – thủ phạm chính của căn bệnh sốt rét. Vấn đề là nó có phải giải pháp rẻ nhất, tối ưu nhất hay không thì còn phải bàn cãi rất nhiều.

Rốt cuộc, Hội thảo trên vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng có nên dùng DDT hay không bởi trong khi một số nước châu Phi ủng hộ việc cấm DDT, vẫn còn các nước châu Phi khác quyết liệt phản đối. Và kết luận chỉ được đưa ra khi tất cả các bên nhất trí, đồng lòng.

Những “vũ khí” mới trong cuộc chiến chống sốt rét

Hơn nửa thế kỷ qua, người ta tham gia cuộc chiến chống sốt rét bằng hai loại “vũ khí” hóa học, đó là các dược phẩm mạnh kháng sốt rét và các thứ thuốc diệt muỗi mà điển hình là DDT dù biết rằng DDT vô cùng độc hại đối với cả con người và môi trường sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do lo ngại những tác động tiêu cực về sinh thái và tài chính từ các “vũ khí” nói trên, những cộng đồng xuất hiện dịch sốt rét từ Trung Quốc sang Tanzania, đến Mexico đã nỗ lực đẩy lùi dịch sốt rét bằng các phương pháp mới phi hóa học: loại trừ những điều kiện môi trường làm tăng số lượng muỗi mang mầm bệnh, phá hủy nơi ẩn náu của muỗi. Hay nói cách khác là thay vì cố gắng diệt muỗi và các vật ký sinh của muỗi, các phương pháp này kêu gọi người dân có ý thức vệ sinh nơi ở của mình, tiêu nước tù đọng nơi ao hồ, kênh mương nơi muỗi tìm đến đẻ trứng.

Đa số đều nhìn nhận sốt rét là một căn bệnh của nghèo đói, nhưng xét kỹ ra, đây lại là một căn bệnh xuất phát từ môi trường sống vì thứ nhất, muỗi và ký sinh của muỗi ưa sinh sôi, phát triển trong điều kiện ấm, ẩm ướt; thứ hai, những con muỗi mang mầm bệnh thường quanh quẩn nơi chúng đẻ trứng – vũng nước tù, ao hồ, kênh mương… và thứ ba, sự lây truyền sốt rét phụ thuộc rất nhiều vào vòng đời của muỗi, nếu vô tình tạo điều kiện cho muỗi tồn tại và gieo rắc mầm bệnh thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Phải phá hủy nơi ẩn náu và đẻ trứng của muỗi (Ảnh: ThienNhien.Net)

Và trên thực tế, đã có rất nhiều thành công với cuộc chiến chống sốt rét từ việc áp dụng các phương pháp trên.

Đơn cử như Mexico, quốc gia trước đây vốn dựa chủ yếu vào DDT để kiểm soát dịch sốt rét, nay đã ngừng hoàn toàn việc dùng DDT và chỉ áp dụng những phương pháp phi hóa chất. Nơi khởi đầu hoạt động phát quang bụi rậm dọc các rãnh nước dân sinh và xung quanh nơi cư trú là Oaxaca, khu vực bị dịch sốt rét hoành hành suốt một thời gian dài.

Theo thông tin từ các nhà chuyên nghiên cứu về sốt rét, vật chủ trung gian gây sốt rét tại Oaxaca – muỗi Anopheles pseudopunctipennis, hay đẻ trứng ở những khe nước phủ rêu gần bờ suối và hiếm khi bay cách xa nơi sinh đẻ 2km. Do đó, từ năm 1999, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tuyển tình nguyện viên ở những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi sốt rét vớt bỏ rêu, tảo xanh và rác rưởi ra khỏi những dòng sông, con suối gần khu dân cư.

Đồng thời, cơ quan phòng chống sốt rét thuộc Bộ Y tế Mexico còn huy động cộng đồng tham gia sơn quét nhà cửa, phát quang bụi rậm xung quanh nơi ở… đưa mật độ muỗi Anopheles larvae giảm tới 90% chỉ trong vòng 3 năm. Và chưa đầy 5 năm, năm 2002, số ca mắc bệnh sốt rét tại đây đã giảm nhanh chóng từ 17.500 ca xuống còn 254 ca. Ngay sau đó, những phương pháp mới đã được lồng ghép vào chương trình quốc gia phòng chống sốt rét. Nhờ vậy mà tới tận năm 2008, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Mexico không có trường hợp nào bị tử vong do sốt rét.

Cùng với Mexico, Tứ Xuyên (Trung Quốc) cũng được coi là hình mẫu lý tưởng trong cuộc chiến chống sốt rét bằng các phương pháp phi hóa học. Ở Tứ Xuyên, các vũng nước tù đọng ven ruộng lúa là nơi loài muỗi Anopheles hyrcanus sinh sôi. Vì thế, để diệt trừ vật chủ trung gian mang mầm bệnh nguy hiểm, năm 1994, người dân Tứ Xuyên đã kêu gọi “giải phóng” nguồn nước tù đọng trên những cánh đồng. Kết quả là nếu thời điểm năm 1993, cứ 10.000 người dân lại có 4 người bị sốt rét thì đến năm 2004, con số này chỉ còn là 1 người. Thậm chí trong khoảng từ năm 2001 – 2004, tại một số thành phố, huyện thị trực thuộc tỉnh, người ta không còn thấy bóng dáng của dịch sốt rét nữa.

Những nỗ lực tương tự ở Dar es Salaam (Tanzania) cũng đạt kết quả đáng khích lệ. Tại đây, muỗi Anopheles gambiae là loài chuyên gieo mầm bệnh sốt rét. Chúng đẻ trứng ở các cống thoát nước chứa rác bẩn. Nắm được điều này, những công nhân môi trường Dar es Salaam cùng nhau phát động chương trình làm sạch cống và phun thuốc diệt khuẩn Bacillus thuringiensis xuống các cống thoát nước. Nhờ đó, cộng đồng Dar es Salaam đã giảm được 30% số ca nhiễm sốt rét từ muỗi A. gambiae.

Ngoài ra, một số giải pháp hỗ trợ khác như san sửa đường sá tránh nước tù đọng, lắp đường ống dẫn nước và các hệ thống hợp vệ sinh… cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy thắng lợi của cuộc chiến chống sốt rét.

Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp phi hóa chất trên nhất định phải có sự nỗ lực, hợp tác của cộng đồng địa phương, các chuyên gia y tế, các nhà sinh thái học, các kỹ sư và nông dân. Một điều quan trọng không kém là cần dựa vào điều kiện sinh thái ở từng địa phương để lựa chọn “vũ khí” cho phù hợp với cuộc chiến chống sốt rét, để vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường sống, vừa tránh gây hại tới sức khỏe con người.