Chứng nhận tôm nuôi của WWF bị phản đối

ThienNhien.Net – Đầu tháng 5 vừa qua, các nhà hoạt động từ hơn 40 tổ chức trên khắp thế giới đã gửi Thư phản đối việc thiết lập những tiêu chuẩn đối với chứng nhận tôm nuôi tới các thành viên Ủy ban Đối thoại Nuôi trồng Thủy sản do Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đứng đầu.

Được biết, những tiêu chuẩn này được WWF chuyển cho Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) – một cơ quan mới thành lập của WWF – ngay tại thời điểm diễn ra Hội chợ Thủy sản Châu Âu tại Brussels (Bỉ). Bộ tiêu chuẩn ra đời trong bối cảnh nhu cầu về tôm nuôi giá rẻ gia tăng trên thị trường, dẫn tới tình trạng xuống cấp ngày một trầm trọng của những cánh rừng đước ngập nước cũng như các hệ sinh thái ven biển, phá hủy nguồn sinh kế của các cộng đồng địa phương và các cộng đồng dân tộc thiểu số ở rất nhiều quốc gia.

Theo bà Natasha Ahmad thuộc Hiệp hội Châu Á chống lại Ngành Công nghiệp Nuôi trồng Thủy sản (Asia Solidarity Against Industrial Aquaculture – ASIA), “WWF đã mắc sai lầm khi cho rằng các tiêu chuẩn họ đưa ra đã hợp nhất cả các dữ liệu từ các bên liên quan ở địa phương trong khi phần lớn nhóm này, vốn đang bị tác động trực tiếp bởi ngành công nghiệp thủy sản, lại không hề có tiếng nói khi quyết định những tiêu chuẩn ấy”.

Phá rừng ngập mặn để nuôi tôm (Ảnh minh họa: Frienvis.nic.in)

“Thực tế, bộ tiêu chuẩn được nêu trong tiến trình Đối thoại Nuôi tôm (ShAD) do WWF chủ trì chẳng khác gì một nỗ lực viển vông nhằm khẳng định và gia tăng lợi nhuận của một ngành sản xuất tiêu cực, thiếu bền vững, dẫn đến những mất mát ngày càng lớn đối với các khu rừng đước và tình trạng di dời của các cộng đồng địa phương”, ông Alfredo Quarto đến từ Dự án Hành động Bảo vệ Thực vật ngập mặn bức xúc bày tỏ.

Không dừng lại ở đó, những người phản đối còn cho rằng WWF đang lờ đi các rủi ro đằng sau ngành công nghiệp nuôi tôm. Hệ thống chứng nhận nuôi tôm sẽ làm gia tăng nhu cầu về tôm và nhiều ảnh hưởng xấu mang tính lan truyền khác.

Ngoài tôm, WWF còn có những tiêu chuẩn chứng nhận mới đối với cá rô phi, cá tra, cá ba sa, bào ngư và động vật hai mảnh vỏ.