Nâng độ che phủ rừng lên 45% vào năm 2020

ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) chủ trì xây dựng Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2011.

Nâng độ che phủ rừng đạt 45% vào năm 2020 (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Đồng thời, Bộ NNPTNT rà soát, bổ sung sửa đổi cơ chế, chính sách đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng năm 2011.

Nâng độ che phủ rừng lên 45% vào năm 2020

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới là nâng độ che phủ rừng lên 42 – 45% vào năm 2015, đạt 45% vào năm 2020. Tăng cường khả năng phòng hộ bảo vệ môi trường của rừng, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học; bảo đảm cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải nâng cao hơn nữa nhận thức bảo vệ và phát triển rừng trong toàn dân, trong toàn bộ hệ thống chính trị, xác định nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ sống còn để phát triển đất nước, là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của toàn đảng, toàn dân.

Lập quy hoạch phát triển 3 loại rừng

Phó Thủ tướng yêu cầu từng địa phương phải rà soát lại cụ thể diện tích, đánh giá đúng hiện trạng, chất lượng của từng loại rừng, diện tích đất trống, đồi núi trọc có khả năng trồng rừng, diện tích có khả năng khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi lại rừng theo đơn vị hành chính, các chủ rừng đang quản lý, sử dụng.

Từ kết quả rà soát tiến hành lập quy hoạch phát triển 3 loại rừng, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng theo giai đoạn và lập dự án đầu tư bảo vệ, sản xuất kinh doanh rừng.

Riêng đối với các khu rừng đặc dụng có dân cư đang sinh sống trong rừng, cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp để bố trí, sắp xếp lại dân cư nhằm đảo đảm ổn định cuộc sống lâu dài cho dân nhưng vẫn bảo vệ được rừng.

Phó Thủ tướng giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương khẩn trương tổng kết, đánh giá việc giao đất, giao rừng, giao khoán bảo vệ rừng, cho thuê môi trường rừng; việc quản lý, sử dụng rừng đúng mục đích đối với diện tích rừng và đất rừng được giao, được thuê; từ kết quả tổng kết, đánh giá đề xuất biện pháp giải quyết để phát huy hiệu quả của việc giao đất, giao rừng. Cùng với đó là phải nghiên cứu, đề xuất biện pháp quản lý sử dụng đất và rừng sao cho có hiệu quả đối với các trường hợp sử dụng rừng, đất rừng chưa đúng mục đích được giao, được thuê, được nhận khoán bảo vệ; diện tích rừng và đất rừng bị lấn chiếm, cho mượn; diện tích đất trước đây là rừng, là đất quy hoạch cho lâm nghiệp, hiện nay người dân đang sử dụng làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp và cây không phải mục đích lâm nghiệp.

Đến nay, Dự án trồng mới 5 triệu héc-ta rừng đã triển khai được 13 năm với kết quả tạo mới 3,37 triệu héc-ta rừng, độ che phủ của rừng tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010. 

Hiện có 1.200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 3,55 tỷ USD. Dự án đã tạo việc làm và thu nhập cho hơn 4,6 triệu lao động nông thôn.

Tuy vậy, độ che phủ của rừng chưa đạt chỉ tiêu đề ra, diện tích đất trống, đồi núi trọc còn lớn (khoảng 2,7 triệu héc-ta). Chất lượng rừng chưa cao, bao gồm cả giá trị về sinh thái và sinh khối của cả 3 loại rừng: phòng hộ, đặc dụng và sản xuất; trình độ khoa học công nghệ từ khâu trồng rừng, đến khai thác và chế biến gỗ chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới.

Tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp cả nước hiện là hơn 16,2 triệu héc-ta, diện tích rừng đã có đạt hơn 13,4 triệu héc-ta.