Người trồng rừng trở thành “chủ nợ bất đắc dĩ”

Dân nghèo trồng rừng thành “chủ nợ” của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: VOVNews

ThienNhien.Net – Hy vọng được đổi đời trên chính mảnh đất quê hương mình, hàng nghìn hộ dân nghèo thuộc 5 huyện của tỉnh Lai Châu đã phối hợp với doanh nghiệp thực hiện dự án liên kết trồng rừng đầy hứa hẹn. Tuy nhiên khi dự án được thực hiện, người dân mới ngã ngửa khi mình trở thành “chủ nợ” hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp.

Từ phương châm “dân góp đất, doanh nghiệp góp vốn”, năm 2010 tỉnh Lai Châu đã trồng hơn 6.000 ha rừng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tham gia dự án trồng rừng hiện đang khiến người dân lâm vào cảnh khốn khó vì trở thành các “chủ nợ bất đắc dĩ”.

Báo điện tử VOVNews ngày 29/4/2011 cho biết, biên bản ký kết giữa người dân với doanh nghiệp về hợp tác trồng rừng quy định rõ: năm đầu tiên triển khai làm đất, trồng rừng, 1 ha đất người dân sẽ được doanh nghiệp chi trả 5 triệu đồng cùng 2 tạ gạo; từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 người dân có trách nhiệm chăm sóc, bảo quản số rừng đã trồng và được nhận mỗi năm 3 triệu và 2 tạ gạo… Tuy nhiên, giờ cây đã cao tốt nhưng rất nhiều người dân chỉ nhận được khoảng 1/3 số tiền tương ứng với diện tích đất rừng mình góp.

Tại huyện Tam Đường, huyện có số hộ dân bị doanh nghiệp nợ nhiều nhất, ông Phó chủ tịch UBND huyện Mai Khắc Phượng cho rằng: “Chỉ còn cách là chờ doanh nghiệp có vốn họ sẽ trả…”. Về phía lãnh đạo tỉnh họ cho rằng đã lường trước những khó khăn này. Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tình hình tài chính nên dẫn đến tình trạng nợ đọng.

Đây mới là năm đầu tiên triển khai dự án nhưng vấn đề nhùng nhằng về tài chính đã lộ rõ. Có thể thấy nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp nợ tiền dân là do tỉnh Lai Châu không kiểm tra năng lực tài chính của các doanh nghiệp trước khi họ đăng ký thực hiện dự án.