Tuyên Quang dừng cấp phép khai thác khoáng sản tại nhiều địa điểm

ThienNhien.Net – Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra thông báo về việc tạm dừng, chưa gia hạn các giấy phép khai thác đã hết hạn, chưa cấp mới các dự án hoạt động khoáng sản, cát, sỏi lòng sông Lô, sông Gâm và các suối ở khu vực có các tuyến đê từ nay đến ngày 30/6/2011.

Theo đó, trong thời gian tạm dừng, chưa gia hạn, các doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương quản lý bảo vệ tài nguyên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về khu mỏ, không để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Các doanh nghiệp và đơn vị tư vấn phối hợp với Sở TN&MT rà soát, đánh giá lại hiện trạng khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông Lô; đồng thời dừng ngay và không sử dụng các phương tiện khai thác bằng tàu cuốc trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 1/7/2011, chỉ được phép khai thác bằng tàu hút.

Sở TN&MT phối hợp với các Sở NN&PTNT, GTVT rà soát, xác định giao mốc, gửi mốc kiểm tra độ cao đáy sông (theo báo cáo thăm dò đã được phê duyệt) cho các cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương kiểm tra, quản lý.

Ngã ba sông Gâm, sông Lô (Ảnh: Panoramio.com)

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn hạn chế, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật; khai thác không đúng thiết kế cơ sở được phê duyệt, khai thác ngoài phạm vi được cấp phép. Việc sử dụng số lượng lớn tàu cuốc vào khai thác cát, sỏi của các đơn vị được giao mỏ đã ảnh hưởng đến nền địa chất hai bên bờ sông. Ở một số nơi còn có đơn vị lợi dụng giấy phép khai thác cát, sỏi để dùng phương tiện thiết bị tàu cuốc khai thác vàng trái phép.

Theo thống kê, chỉ riêng tuyến sông Lô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có tới 17 đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi. Khi cấp phép, các ngành chức năng đều yêu cầu các chủ mỏ, khai thác đúng khu vực được duyệt, không khai thác vượt quá độ sâu 4m nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp sử dụng tàu cuốc vào khai thác có nơi sâu so với mặt đáy sông từ 6 đến 11m. Điều này cho thấy, việc khai thác cát, sỏi dưới lòng sông dù có phép hay không phép đều làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm sạt lở bờ sông, sụt lún đê điều và hạ thấp mực nước trên sông. Điển hình tại 3 xã Vân Sơn, Hồng Lạc và Sầm Dương (huyện Sơn Dương), sạt lở bờ sông diễn ra khá nghiêm trọng. Tại thôn Mẫu Sơn, xã Vân Sơn có 2 đoạn sạt lở chiều cao tả luy từ 2 đến 5m; trên địa bàn thôn Khổng, xã Hồng Lạc có 1 đoạn sạt lở cao từ 2 đến 4 m. Tại xã Sầm Dương, nhiều đoạn sạt lở bờ sông cao từ 4 đến 7m, hiện tượng nứt dọc bãi sông gần chân đê có nguy cơ sụt lún cả thân đê.