ThienNhien.Net – Trong thế giới sinh vật, có vô số loài được tự nhiên phú cho một cơ chế riêng để tự vệ trước các loài động vật ăn thịt. Những loài động thực vật có gai sắc nhọn cũng nằm trong nhóm sinh vật ấy. Chính những chiếc gai nhọn trên cơ thể giúp chúng đứng ngoài danh sách sinh vật dễ gặp nguy hiểm vì bị kẻ thù tấn công.
Trên thực tế, không phải tất cả các sinh vật hay các loài thực vật đều có cách thức phòng vệ riêng để chống lại kẻ thù. Trong đó, giun đất là một ví dụ điển hình vì chúng chẳng thể làm gì để tự cứu bản thân mình khi không may gặp phải lũ chim háu đói. Hay như loài cúc vạn thọ, tuy phát ra một thứ mùi tự nhiên vô cùng khó ngửi, chẳng hề hấp dẫn những kẻ săn mồi nhưng thứ mùi ấy không đủ để bảo đảm chúng hoàn toàn vô sự khi gặp một chú côn trùng “cứng đầu”.
Do đó, việc được phú cho những cơ chế tự vệ riêng, như các loài sinh vật có gai nhọn dưới đây, là một đặc ân vô cùng lớn của tự nhiên.
Loài thằn lằn Thorny Devil (Moloch horridus) sống ở vùng đất đá khô cằn miền trung nước Úc. Nó ăn các động vật nhỏ hơn, điển hình là kiến, nhện đen. Cơ thể loài này có thể đạt tới chiều dài 20,32cm. Toàn thân nó được bao phủ bởi gai cứng và sắc nhọn, cản trở các động vật ăn thịt tới gần. Nó cũng có thể tự ngụy trang bằng cách thay đổi màu sắc giống với môi trường xung quanh. Đặc biệt hơn, loài thằn lằn này còn biết đánh lừa kẻ thù. Nó có một cái đầu giả đằng sau cổ để khi một kẻ thù ăn thịt lượn lờ xung quanh, con thằn lằn có gai sẽ vùi cái đầu thật xuống cát. Thế là cái đầu thật của nó vẫn sẽ được bảo toàn.
Gai tua tủa quanh loài động vật này chính là công cụ phòng vệ của chúng để tránh khỏi hai kẻ thù lớn: con người và những chú rái cá biển. Mặc dù chẳng có mấy thứ ăn được trên mình một con nhím biển, song loài người thực sự thích nhặt chúng làm đồ trang trí. Nhím biển (Echinus melo) có hàng trăm chân nhỏ, chúng ăn những thực vật và động vật nhỏ. Kích thước của loài nhím biển vào khoảng 10cm, màu sắc của chúng rất khác nhau, phổ biến nhất là hai màu tía và hồng. Nhím biển có thể sống và sinh sản tới tận khi chúng 200 tuổi.
Tên gọi của loài cá nhím biển (Pterois antennata) sặc sỡ được đặt dựa trên hình dáng chiếc vây cá giống rẻ quạt và chiếc vây nhọn ở phần lưng như một cái bờm sư tử khổng lồ. Cá nhím biển tự bảo vệ mình theo hai cơ chế chính: thứ nhất, màu sắc cơ thể cho phép chúng ngụy trang trong môi trường sống; hai là, chúng có nọc độc trong những chiếc gai lưng. Chất độc này sẽ khiến kẻ tấn công chúng mất sức và khó thở. Kích cỡ của loài cá nhím biển dài khoảng một bàn chân. Đây cũng được xem là một trong những loài cá độc nhất trên thế giới.
Loài cá nóc nhím (Diodon nicthemerus) trông từa tựa như loài cá phồng, có điều, gai của chúng bao phủ hết các vùng da trên cơ thể. Loài này có thể to bằng 4 bàn chân, thậm chí còn lớn hơn thế và thay vì “cất giữ” nọc độc trong những chiếc gai, cá nóc nhím trữ độc trong cơ thể. Nếu vô tình ăn phải cá nóc nhím, toàn thân ta sẽ bị tê liệt hoặc có thể tử vong. Cá nóc nhím có những chiếc răng lớn chìa ra và những chiếc răng này không bao giờ ngừng mọc. Do vậy, chúng thích sống quanh các rặng san hô để mài răng. Khi bị một loài cá lớn hơn đe dọa, chúng sẽ phồng mình lên giống như loài cá phồng nhằm làm sụp đổ ý đồ của kẻ thù. Nhìn cách chúng bơi khá là khó nhọc, bạn có thể tưởng tượng ra ngay chúng không phải những “tay bơi lội” cừ khôi của đại dương.
Con nhím mỏ chim (Tachyglossus aculeatus) trong bức hình trên còn có một cái tên khác là thú ăn kiến có gai. Cơ thể của thú lông nhím có màu đen pha nâu và được phủ kín bởi những chiếc gai và những sợi lông thô. Tay của loài thú này rất khỏe với các móng vuốt làm nhiệm vụ đào xới. Miệng chúng dài, có hình ống nối liền với mũi, hỗ trợ chúng đánh hơi con mồi và “xử lý” nhanh gọn. Đồng thời, trong miệng thú lông nhím còn có một cái lưỡi nhầy giúp chúng bắt mồi. Và bạn có tin không, chúng có khả năng chọc lưỡi vào một tổ kiến và “chén” hàng trăm con kiến một cách ngon lành đấy. Ngoài ra, một số loài còn có gai trên mặt lưỡi. Tuổi thọ của thú lông nhím kéo dài từ 40 – 50 năm.
Trên cơ thể nhím Âu (Erinaceus europaeus) dày đặc những chiếc gai nhọn. Khi gặp nguy hiểm, loài nhím này sẽ cuộn tròn mình lại thành một quả bóng đầy gai để đâm vào bất cứ kẻ thù nào muốn ăn thịt chúng. Chiều dài tối đa mà nhím Âu có thể đạt khoảng 23-27cm. Những con nhím Âu luôn thích ăn các động vật nhỏ, sâu bọ, côn trùng, nhện và đôi khi là cả trứng chim. Có lẽ đó là nguyên nhân dẫn đến việc giảm sút số lượng nhím Âu. Vì ăn quá nhiều trứng của loài chim lội nước làm tổ trên mặt đất như chim dẽ giun, chim rẽ trán trắng , chim đỏ chân, chim te te… nên ở một số vùng, chúng bị coi như những động vật gây hại.
Loài nhện Gasteracantha cancriformis này có cái bụng khá cứng màu trắng, da cam hoặc màu vàng với nhiều chấm đỏ. Và tất nhiên gai của nó tỏa ra từ bụng, là cơ quan phòng vệ giúp nhện tránh bị tấn công và ăn thịt. Song, trên thực tế, kích cỡ nhỏ bé là lợi thế lớn để chú nhện nằm khuất khỏi tầm mắt của kẻ săn mồi. Đáng chú ý, đây là loài nhện điển hình chuyên bẫy sâu bọ có cánh làm bữa tối bằng những tấm mạng nhện phẳng. Chúng vô hại và chỉ lọt vào nhà bạn nếu ai đó hay thứ gì đó mang chúng tới.
Với những chiếc gai màu vàng bao quanh cơ thể, trông loài sâu bướm Automeris io này càng trở nên dễ thương đến độ bạn có thể muốn cầm nó lên và quan sát cận cảnh hơn. Nếu làm thế, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy ngứa hoặc nóng rát, phải cần tới thuốc để chữa trị. Bởi lẽ, gai của loài sâu bướm gắn với những tuyến độc – biện pháp tự vệ hữu hiệu khi phải đối mặt với kẻ thù. Thân sâu màu xanh xám, đan xen nhiều sọc vàng, đỏ dài khoảng 5cm. Mặc dù chúng khá bắt mắt nhưng bạn chỉ nên quan sát chúng từ xa thôi nhé! Sau khi lột xác, những con sâu bướm sẽ hóa thành những cô, cậu bướm đẹp nhất mà bạn từng thấy.
Châu chấu voi đầu nhọn (Panacanthus cuspidatus) có họ hàng với châu chấu và dế với thân hình màu xanh nhạt. Gai cũng mọc khắp cơ thể nó như một công cụ bảo vệ. Khi bạn chạm vào một trong những cái gai ấy, nó sẽ dễ dàng xuyên qua da bạn. Đầu của loài vật này lớn hơn đầu châu chấu và trên đỉnh đầu nhú lên những chiếc gai màu hơi đo đỏ giống hệt một chiếc mũ miện vậy.
Cuối cùng là một loài thực vật có những chiếc gai khủng khiếp ở tất cả các bộ phận – cây keo Acacia greggii. Những chiếc gai này có thể dài và thẳng, cũng có thể ngắn và cong. Chúng ngăn cản bất kỳ loài động vật nào trèo lên và ăn lá của chúng, trừ một số loài như hươu cao cổ – có lưỡi dai như da và không cảm thấy đau khi chạm vào gai. Nguy hiểm hơn, trường hợp bị tấn công, cây keo sẽ chiết xuất ra hóa chất khiến lá cây trở nên khó ăn. Ngoài ra, loài cây nói trên cũng tạo dựng được mối quan hệ tốt với lũ kiến lửa. Theo “thỏa thuận”, kiến sẽ đánh đuổi các loài côn trùng, còn cây sẽ để cho kiến sống trong những cái gai và thưởng thức món nhựa cây thơm ngon.