Thủy điện Xayaburi: Tác động sâu rộng, thông tin hạn hẹp

ThienNhien.Net – Đập thủy điện Xayaburi được Lào đề xuất triển khai trên dòng chính Mê Kông đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của cả lưu vực vì những tác động sâu rộng có thể xảy ra nếu dự án được tiến hành. Chỉ còn 2 tháng nữa là đến ngày dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng cho dự án này và quá trình tham vấn đang nóng lên ở tất cả các nước thành viên Ủy hội Mê Kông (MRC).

Xayaburi là con đập đầu tiên được đề xuất xây dựng trên dòng chính hạ nguồn Mê Kông và cũng là con đập đầu tiên thực hiện quy trình Thông báo, Tham vấn và Thoả thuận trước (PNPCA)* theo yêu cầu của Hiệp định Mê Kông năm 1995 giữa các nước thành viên MRC.

Đến nay, quá trình tham vấn đã gần đi gần trọn quãng đường ở cả ba nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Dù vẫn còn những khác biệt nhất định về thành phần tham dự, mức độ bày tỏ quan ngại và các đề xuất cụ thể, các phiên tham vấn ở 3 nước cũng chia sẻ một số quan điểm chung.

Cần nhiều thông tin hơn cho một dự án tác động sâu rộng

Hôm qua (22/2/2011), cuộc tham vấn lần hai của Việt Nam đã diễn ra tại Hạ Long với sự tham gia của đông đảo đại biểu từ các bộ ngành chức năng và các tổ chức xã hội dân sự. Phiên tham vấn đã ghi nhận nhiều ý kiến quan ngại sâu sắc về những ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam một khi dự án này được xây dựng.

Đề cập đến tác động của dự án này cũng như việc triển khai thủy điện trên dòng chính Mê Kông, TS Nguyễn Thái Lai – Thứ trưởng Bộ TNMT phát biểu: Lũ lụt, ô nhiễm chưa phải là vấn đề đáng quan ngại nhất ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay mà là vấn đề thiếu nước. Và việc thủy điện không gây ảnh hưởng đến tài nguyên nước chỉ là luận điệu của các nhà đầu tư. Trên thực tế, đánh giá của các chuyên gia quốc tế về tác động tích luỹ của thuỷ điện trên dòng Mê Kông là rất nguy cấp. Và một khi đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính, Việt Nam không thể yêu cầu quốc gia chủ quản xả nước, do đó thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là không thể tránh khỏi.

Ý kiến của TS. Lai đã được đông đảo đại biểu chia sẻ và bổ sung vào các tác động nghiêm trọng khác như thay đổi dòng chảy, nhịp lũ, hệ sinh thái; giảm phù sa cho đất; suy giảm nguồn lợi thủy sản; ô nhiễm; ảnh hưởng sinh kế người dân và quy hoạch thủy lợi toàn vùng ĐBSCL…

Các ý kiến trong hội thảo cũng thống nhất cho rằng thông tin về dự án là chưa đầy đủ, mới chỉ dừng lại ở báo cáo chung chung. Vì vậy, Việt Nam cần hợp tác với các tổ chức quốc tế tiến hành các đánh giá riêng về con đập này, đồng thời phải xem xét trong cả bối cảnh tổng thể phát triển thuỷ điện trên dòng chính Mê Kông để thấy hết được tác động tích luỹ đối với vùng hạ lưu một khi các con đập được xây dựng.

Tuy nhiên, nhìn nhận rằng đây cũng là cơ hội phát triển của Lào, buổi tham vấn chỉ dừng lại ở đề xuất Chính phủ Việt Nam nên kêu gọi Chính phủ Lào trì hoãn kế hoạch xây đập Xayaburi để tiến hành các nghiên cứu sâu rộng hơn.

Quan điểm từ các phiên tham vấn ở Việt Nam cũng là những gì mà các phiên tham vấn ở Thái Lan và Campuchia chia sẻ. Trước đó, ba cuộc hội thảo tham vấn với sự tham gia của các cộng đồng bị ảnh hưởng đã được tổ chức tại Thái Lan. Tại đây, 16 tác động đáng quan ngại của dự án Xayaburi đã được công chúng chỉ ra, trong đó có tác động đến quần thể cá, gây ra hiện tượng bồi lắng, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến sinh kế và sự ổn định chỗ ở của người địa phương…

“Câu chuyện Xayaburi đặt ra vấn đề: Đã đến lúc các quốc gia thành viên MRC cần xem xét lại những bất cập trong Hiệp định 1995 khi mà bản thân Hiệp định này không bảo vệ được lợi ích chung cũng như lợi ích riêng của các bên trong vấn đề phát triển sông Mê Kông. Ở vị thế quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất từ các tác động thượng nguồn, Việt Nam cần sử dụng nhiều phương thức hợp tác và đối thoại khác nhau để đảm bảo lợi ích quốc gia về lâu dài trên cơ sở đảm bảo lợi ích của tất cả các bên. Ít nhất, Việt Nam sẽ là một trong vài khách hàng chính của các dự án thủy điện như Xayaburi. Với Xayaburi, khi lợi ích rõ ràng thuộc về quốc gia phát triển dự án và tác động tiêu cực sẽ đặt lên vai các quốc gia láng giếng, quyết định của Lào – cho dù ra sao – chắc chắn sẽ ảnh hưởng lên hình ảnh của quốc gia này. Và điều mà các quốc gia trong lưu vực cần làm hiện nay là giữ cho con sông Mê Kông trở thành nhịp cầu nối hòa bình, phát triển và thịnh vượng, chứ không phải là ngọn nguồn của những xung đột lợi ích và bất ổn trong tương lai.” (Ông Trịnh Lê Nguyên, giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên – PanNature)

Đến nay các ý kiến tham vấn ở Thái Lan và Campuchia cũng cho rằng thông tin về dự án đập Xayaburi còn chưa đầy đủ và nặng tính kỹ thuật, trong khi chưa thể hiện được những tác động tiềm tàng xuyên biên giới về môi trường-xã hội. Và quả thật, dù phía Lào đã khẳng định sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về dự án tới công chúng, song trên thực tế, trang web về dự án ở địa chỉ Xayaburi.com – một trong những kênh thông tin quan trọng – lại không hề công bố Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường và bản Báo cáo SEA cho rộng rãi công chúng tham khảo.

Hai quốc gia này cũng đang kêu gọi Lào mở rộng thời gian tham vấn để thu nhận rộng rãi hơn các ý kiến từ các bên liên quan, đặc biệt là các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Lào vẫn kiên định với lập trường phát triển thủy điện dòng chính

Vấp phải sự phản đối dữ dội từ các tổ chức dân sự và các cộng đồng bị ảnh hưởng ở các quốc gia láng giềng, bất chấp khuyến cáo dừng xây dựng đập ít nhất trong 10 năm từ Báo cáo SEA, chính phủ Lào dường như chẳng hề ngã lòng với kế hoạch xây đập Xayaburi trên dòng Mê Kông. Quyết tâm này phần nào được thể hiện qua tuyên bố mới đây của Lào tại cuộc họp lần thứ 3 của Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông (MRC) về PNPCA vào ngày 14/02/2011.

Tại cuộc họp này, thành viên Ủy ban Hỗn hợp của Lào đã gọi đập Xayaburi là “dự án thủy điện thân thiện với môi trường đầu tiên trên dòng Mê Kông”. Theo đó, Xayaburi được cho là đã thiết kế với công nghệ tiên tiến để tạo ra nguồn điện tái tạo “sạch nhất và không gây ô nhiễm, không có bể chứa trên Mê Kông và các chi lưu, hạn chế các tác động môi trường đến khu vực lân cận”.

Lào cũng đồng thời khẳng định việc phát triển dự án thủy điện này hoàn toàn tuân thủ chính sách phát triển bền vững về môi trường-xã hội, phù hợp với luật pháp, quy định và các đánh giá kỹ thuật-môi trường-xã hội của đất nước mình. Thêm nữa, việc Lào tuân thủ quy trình PNPCA cũng được nước này coi như một bằng chứng cho thấy họ đã thông tin và hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên MRC.

Tại cuộc họp này, Lào cũng làm thất vọng các nước trong lưu vực đang kêu gọi kéo dài thời gian tham vấn bằng tuyên bố là quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra nếu không phải vào ngày 22-23/3/2011 ở cấp Ủy ban Hỗn hợp thì cũng sẽ được thông qua vào ngày 22/4 ở cấp Hội đồng MRC.

Đặc biệt, Lào nhấn mạnh rằng, các quyết định tiếp theo đó trong việc triển khai dự án sẽ là vấn đề riêng của chính phủ Lào, kèm theo lời hứa sẽ cân nhắc thận trọng các khuyến cáo được đưa ra trong quá trình tham vấn.

Với rất nhiều nỗ lực, hoạt động và chiến dịch nhằm ngăn chặn phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Kông nói chung và dự án đập Xayaburi nói chung, phản ứng của các tổ chức dân sự đối với tuyên bố trên của Lào thật không khó để hình dung.

Chia sẻ với ThienNhien.Net bình luận về tuyên bố này, bà Ame Trandem, Tổ chức Sông ngòi Quốc tế cho biết: Bất cứ tuyên bố nào cho rằng dự án Xayaburi là bền vững đều sai lầm. Báo cáo SEA đã cảnh báo rằng quyết định tiến hành chỉ một đập trong số 11 dự án được đề xuất trên dòng chính Mê Kông cũng có thể gây ra những thay đổi vĩnh viễn và không thể vãn hồi đối với sự bền vững về năng suất của hệ sinh thái sông. Hơn nữa, từ năm 2008 các chuyên gia quốc tế đã tuyên bố rõ ràng là không hề tồn tại công nghệ nào có thể giảm nhẹ tác động của các con đập trên dòng chính đến nguồn thủy sản. Điều này cũng được tái khẳng định trong SEA, rằng chiều cao 32m của đập Xayaburi là vượt quá độ cao mà cầu thang cho cá di cư có thể mang lại hiệu quả. Và rốt cuộc, nếu quả thực đập Xayaburi là bền vững thì tại sao Chính phủ Lào từ chối cung cấp Báo cáo Đánh giá Tác động môi trường tới công chúng?

Câu hỏi mà bà Ame Trandem đặt ra hẳn cũng là điều mà tất cả người dân trên lưu vực đang quan tâm và có quyền được trả lời.


* Độc giả có thể tìm hiểu thêm về quy trình PNPCA tại đây