Tập huấn “Thực thi công ước CITES và nhận dạng bò sát”

ThienNhien.Net – Nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực nhận dạng loài, quản lý bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học” do Quỹ Hội nhập Nhật Bản – ASEAN tài trợ, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực được lựa chọn để tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên ASEAN trong lĩnh vực kiểm soát tình hình buôn bán quốc tế trái phép các loài hoang dã – vốn được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học trong khu vực.

Từ ngày 21-23/02/2011, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam phối hợp với Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC) và Mạng lưới thực thi pháp luật về động thực vật hoang dã (ASEAN-WEN) tổ chức khóa tập huấn về thực thi CITES và nhận dạng một số loài bò sát thường gặp trong buôn bán cho các cán bộ thực thi pháp luật về quản lý động vật, thực vật hoang dã và cán bộ làm việc tại các cửa khẩu đường bộ, đường hàng không khu vực phía Nam.

Khóa học được thực hiện bởi nhóm các giảng viên từ Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học và Bảo tàng tự nhiên Việt Nam, đã được đào tạo qua khóa “Tập huấn Tiểu giáo viên” tổ chức cho mười quốc gia thành viên ASEAN hồi đầu năm tại Malaysia.

Khóa tập huấn nhằm trang bị cho các học viên những thông tin và kiến thức cơ bản về: tình hình buôn bán các loài hoang dã trong khu vực Đông Nam Á; các quy định của pháp luật Việt Nam và CITES liên quan tới quản lý động thực vật hoang dã; và truyền tải những kỹ năng về nhận dạng các loài bò sát phổ biến đang được buôn bán trong khu vực thông qua chương trình thực hành nhận dạng trực tiếp tại Thảo cầm viên Sài Gòn.

TS Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – Giám đốc Cơ quan CITES Việt Nam cho biết: “Khóa tập huấn sẽ cung cấp kỹ năng cơ bản cho các cán bộ thực thi pháp luật về nghiệp vụ kiểm soát buôn bán quốc tế động thực vật hoang dã, nhằm góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của chúng ta”.

Theo TS Manop Laupraser – Cán bộ cao cấp của Ban điều phối chương trình ASEAN-WEN, hiện nay các mạng lưới tội phạm đang tranh thủ thời cơ khi năng lực thực thi pháp luật của hầu hết các cơ quan chức năng trong khu vực còn hạn chế. Những sáng kiến trong khóa tập huấn sẽ giúp lấp những lỗ hổng này và tăng cường ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép các loài hoang dã qua biên giới.

Giám đốc vùng của TRAFFIC Đông Nam Á, TS William Schaedla nói, “Hầu hết các cán bộ thực thi pháp luật đều được đào tạo rất ít về các lĩnh vực liên quan tới tội phạm buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã. Do vậy, đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của TRAFFIC cho Việt Nam trong thời gian tới”.

Các bên tham gia khóa học cũng thống nhất nhận định, tình hình buôn bán động thực vật hoang dã gồm cả hợp pháp và trái phép qua các cửa khẩu quốc tế ngày càng trở nên phổ biến, do đó việc nâng cao năng lực cho các cán bộ làm việc tại cửa khẩu bao gồm cả đường bộ và đường hàng không ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng buôn bán quốc tế các loài hoang dã.