Loài chuồn chuồn đặc hữu vùng núi đá vôi Bắc Việt Nam

ThienNhien.Net – Loài chuồn chuồn <i>Chlorogomphus nakamurai</i> được Karube công bố năm 1995 tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Đây là loài chuồn chuồn có kích thước lớn, sải cánh có thể đạt tới 11cm, sống trong các khu rừng nguyên sinh có độ cao thấp ở Bắc Bộ, Việt Nam. Trong cùng năm công bố của Karube, Asahina cũng ghi nhận loài này ở Vườn quốc gia Ba Vì, (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội).

Các con đực của loài này thường săn mồi dọc theo các khe suối trong rừng sâu, dưới tán cây rậm rạp, con cái thường xuất hiện với tần xuất thấp hơn. Sau khi giao phối và đẻ trứng xuống dòng suối, con cái thường bay lên và ẩn nấp trên những tán lá của rừng nguyên sinh. Con đực của loài này có đôi cánh trong suốt với đầu mút cánh mầu nâu nhạt trong khi cánh của con cái lớn và sặc sỡ hơn với mầu nâu sáng và trắng đục. Trứng của loài Chlorogomphus nakamurai có mầu vàng sáng, được con cái nhúng trực tiếp xuống dòng nước chảy khi đẻ trứng.

Do sự phân bố hẹp và vì các cánh rừng nguyên sinh ở độ cao thấp hiện nay còn lại rất ít, loài chuồn chuồn Chlorogomphus nakamurai được Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào nhóm các loài dễ bị tổn thương. Cho đến nay, loài này mới chỉ được tìm thấy ở hai khu rừng nguyên sinh thuộc dãy núi đá vôi Bắc Việt Nam .

Năm 2010 vừa qua là năm về Quốc tế về Đa dạng sinh học, mỗi ngày trong năm đại diện cho một loài sinh vật quý hiếm cần được bảo vệ, loài chuồn chuồn Chlorogomphus nakamurai đã được IUCN lựa chọn làm đại diện cho ngày 29/10.