Chuyện buồn của sông Bandi

ThienNhien.Net – Hơn 30 năm là quãng thời gian quá dài để sông Bandi, con sông nổi tiếng trải dài trên thành phố dệt vải Pali thuộc bang Rajasthan, Ấn Độ có thể vực dậy dưới sức nặng của thảm họa ô nhiễm từ hàng trăm xưởng dệt, nhuộm ở phía thượng nguồn. Song cũng ngần ấy năm Bandi vẫn phải oằn mình chống chọi với ô nhiễm và chờ một phép màu để được hồi sinh.

Bandi vốn là một nhánh của sông Luni, sau khi sáp nhập với sông Khari và Mithari ở vị trí gần đập Bombadra, cách thượng nguồn 45km đã hình thành nên sông Bandi ngày nay. Diện tích lưu vực sông vào khoảng 1.682km2 và nằm trọn trong quận Pali.

Dòng sông nhuốm nước nhuộm vải

Từ những năm 1970, Bandi đã bị đầu độc bởi hàng trăm xưởng dệt nhuộm, in ấn. Trải qua mấy chục năm, từng khúc Bandi vẫn nằm chềnh ềnh giữa dòng nước đen kịt, bốc mùi dữ dội, cả lòng sông giờ đều bị phủ kín bởi những thỏi bùn đen dày đặc, trơ cứng, chỉ đủ sót lại một lối thoát nước nhỏ nằm giữa chính sông. Phía bên kia bờ, Bandi cũng đang bị hàng triệu tấn đất chôn lấp rác xâm lấn, khiến lòng sông ngày càng bị thu hẹp và gánh nặng ô nhiễm càng thêm chất chồng. 

 
Lòng sông ngày càng trơ cứng, đen đặc và khó có thể phục hồi.

Xứ sở vải vóc Pali với hàng trăm xưởng dệt nhuộm, in ấn từ xưa đã được xem là nguyên nhân chính gây nên thảm cảnh cho Bandi và nhiều sông lân cận. Nước thải từ Pali khiến nguồn nước ngầm ở một số làng dọc sông không thể uống hoặc tưới tiêu do chứa quá nhiều hóa chất, nồng độ asen, kim loại nặng, axit, kiềm, clorua, sulfat… đều vượt tiêu chuẩn nhiều lần cho phép. Đáng chú ý là các hợp chất này vốn có tính ổn định cao nên khó có thể loại bỏ hoặc làm giảm nồng độ bằng cách xử lí thông thường.

Theo báo cáo năm 2006 của Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) Ấn Độ, hiện có đến hơn 100 làng sống dọc Bandi đang phải gánh nạn xả thải từ hơn 800 xưởng dệt nhuộm, in ấn. Người dân Pali chia sẻ, tiền công họ làm ra hiện chỉ đủ bù đắp những thiệt hại về mùa màng và sinh kế do Bandi bị ô nhiễm.

Nhiều cuộc biểu tình đã manh nha từ những năm 1980 nhưng đáp lại sự phản đối dữ dội của dư luận và các tổ chức xã hội, chính phủ Ấn Độ chỉ duy nhất đồng ý với cái được gọi là “sáng kiến” của các xưởng khi cho xây dựng ba Nhà máy xử lý nước thải chung (CETP) vào năm 1983 nhằm hạn chế lưu lượng xả thải, đồng thời yêu cầu các xưởng phải trả thuế ô nhiễm tương đương 65 rupees cho mỗi kiện (100 m) vải thô. Tuy nhiên, đây vốn chỉ là việc làm che mắt bởi trên thực tế việc xử lí nước thải tại các CETP không hề đạt hiệu quả như mong muốn và ngay từ đầu, các nhà máy CETP đã không được thiết kế để xử lí các chất ô nhiễm chính như kim loại nặng. 

 
Chất lượng nước thải ra Bandi vẫn rất tồi tệ dù đã được xử lí qua hệ thống lọc nước của CETP.

Kĩ sư Deepak Pariha làm việc tại Quỹ nghiên cứu, xử lý và kiểm soát ô nhiễm nước tại  Pali cũng thừa nhận, hầu hết công nghệ xử lý tại các nhà máy CETP đều đã cũ, một số nhà máy mới tuy dự kiến lắp đặt công nghệ thẩm thấu nhưng khó có thể biết được khi nào nước Bandi có thể sạch hơn. Số lượng CETP hiện đã tăng lên 5 nhưng chất lượng sông vẫn rất tồi tệ.

Phía các ngành công nghiệp thì nhất mực cho rằng họ đã tuân thủ đúng quy trình xử lý nước thải song theo phản ánh của người dân và dựa trên kết quả khảo sát thực tế của CSE, chỉ chưa đầy 45% lượng chất thải được xử lý trước khi xả ra Bandi. 

Cuộc đấu tranh chưa có hồi kết

Nhiều cuộc đấu tranh vì môi trường Bandi đã diễn sau đó nhưng phải đến năm 2004 mới thực sự bùng phát mạnh mẽ. Sự kiện đầu tiên có thể kể đến là năm 2004, tổ chức Ski Kisan Paryavaran Sangharsh Samiti (SKPSS) từ một nhóm nông dân địa phương ra đời, chủ trương chống lại thực trạng ô nhiễm trên dòng Bandi. SKPSS được xem là tổ chức chỉ trích mạnh mẽ nhất quyết định của chính phủ trong việc cho phép các khu công nghiệp được xả một phần nước thải chưa qua xử lý vào sông Bandi. Cũng trong năm này, SKPSS đã gửi đơn thư lên Tòa án tối cao Delhi, yêu cầu các khu công nghiệp ngừng xả thải. Khá nhiều khu công nghiệp bị buộc phải đóng cửa ngay sau đó, đặc biệt là những khu hoạt động không phép.

Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm vẫn tái diễn khiến mâu thuẫn giữa hai khối công – nông tiếp tục căng thẳng. Ngày 10/2/2008, khoảng 10.000 người dân đã xếp hàng dài biểu tình, mang theo xẻng và máy xúc phản đối việc các khu công nghiệp xả thải vào sông. Cuộc biểu tình diễn ra với nhiều hoạt động đáng chú ý, trong đó có việc kêu gọi các nhóm xây dựng đập bùn nhằm ngăn dòng nước thải.

Nhằm giảm bớt căng thẳng trong vấn đề xả thải, đầu tháng 3 năm 2008, một cuộc họp ba bên giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân đã được Bộ Môi trường Ấn Độ tổ chức. Cuộc họp đã bầu ra Ủy ban giám sát ô nhiễm bao gồm các quan chức thuộc bang Rajasthan nhằm theo dõi và kiểm tra chất lượng nước thải trước khi xả vào Bandi, nhưng lại tuyệt đối không đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến cộng đồng bị ảnh hưởng.

 
Cuộc gặp mặt gần đây giữa người dân Pali, Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) và một số học viên tham gia khóa học của CSE.

Giám đốc CSE, bà Sunita Narain nhận định, việc bưng bít thông tin ô nhiễm và không trao quyền cho người dân trong quá trình giám sát chất lượng nước là nguyên nhân chính khiến mâu thuẫn giữa người dân, các ngành công nghiệp và chính phủ ngày càng lớn. Trước tình hình này, CSE đã kết hợp cùng SKPSS và các cộng đồng địa phương thành lập Cộng đồng thúc đẩy chương trình giám sát ô nhiễm nước trong tháng 8 năm 2008, đồng thời hướng dẫn người dân cách thử nghiệm và giám sát hệ thống nước thải của các nhà máy CETP – vốn được xem là “giải pháp hờ” do các ngành công nghiệp và chính phủ lập nên. Toàn bộ dữ liệu trong quá trình giám sát sẽ được sử dụng cho các cuộc tranh đấu chống lại nạn ô nhiễm của người dân Pali.

Được biết, chính phủ Ấn Độ từng rót khoảng 175 triệu rupees cho công tác điều tra, xác minh mức độ thiệt hại về sức khỏe và đất đai của người dân chịu ảnh hưởng ô nhiễm nhưng báo cáo này đến nay vẫn bị bưng bít. Người dân Pali vẫn đang chờ thông tin chính thức từ Hội đồng năng suất quốc gia Ấn Độ, đơn vị được chính phủ ủy thác nhiệm vụ này. Người dân đưa ra yêu sách đòi được bồi thường đúng bằng số tiền 175 triệu rupees mà Chính phủ đã đầu tư cho việc điều tra. Phía đại diện SKPSS cho hay, họ đã dự phòng cả kế hoạch gửi thư kiến nghị lên Ủy ban về Sáng kiến Quyền được thông tin (Right To Information – RTI) của Ấn Độ để buộc Hội đồng năng suất quốc gia Ấn Độ phải công khai bản báo cáo.

Và cuộc tranh đấu của các cộng đồng dân cư ven Bandi đến nay vẫn chưa kết thúc.