Thành thật với Mê Kông (Kì 1)

ThienNhien.Net – Trên tờ Người Quan sát Kinh Tế (Economic Observer) của Trung Quốc mới đây đăng loạt bài phân tích của giáo sư Tần Cối, chuyên gia sử kinh tế của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) về những lý lẽ bất hợp lý của Trung Quốc khi chối bỏ trách nhiệm của mình đối với vùng hạ lưu Mê Kông. Các tổ chức môi trường khu vực gọi đây là "bài báo thẳng thắn nhất từ Trung Quốc bàn về Mê Kông cho đến nay". Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Mũ ni che tai

“Việc Trung Quốc phát triển ồ ạt các đập thủy điện trên dòng Lan Thương (thuộc thượng nguồn Mê Kông) đã bị các quốc gia Đông Nam Á trong lưu vực chỉ trích mạnh mẽ. Đáng chú ý nhất trong thời gian qua là sự công kích của báo chí về hiện tượng khô hạn trên lưu vực khi mực nước Mê Kông hạ thấp kỷ lục trong mùa khô.

Phát biểu tại một cuộc họp báo tháng 3/2010, một vị đại diện của Trung Quốc tại Thái Lan xoa dịu những chỉ trích này bằng việc nhắc lại một điệp khúc quen thuộc rằng “Lưu lượng chảy của dòng Lan Thương khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc chỉ bằng 13,5% lưu lượng dòng chảy vùng cửa sông Mê Kông đổ ra biển Đông. Diện tích bề mặt của các hồ chứa đằng sau các con đập Mạn Loan, Đại Chiếu Sơn và Cảnh Hồng rất nhỏ nên thất thoát do bốc hơi nước không đáng là bao, trong khi việc vận hành các công trình thủy điện hầu như chẳng tiêu tốn nước là mấy, vì vậy không ảnh hưởng mấy đến dòng sông” v.v.

Trong một chuyến khảo cứu tại Đông Nam Á gần đây, tôi nghe khá nhiều ý kiến kêu ca rằng phát triển thủy điện ở Trung Quốc đang gây ra hàng loạt vất đề môi trường cho vùng hạ lưu. Thẳng thắn mà nói, tôi nhận thấy những phê phán này không có hay chí ít là cũng không đủ chứng cứ. Song, cần phải nói rằng những phản ứng của Trung Quốc là không phù hợp, không đối mặt với thực chất của vấn đề. Chính điều này sẽ gây phản tác dụng đối với Trung Quốc, càng khắc sâu hình ảnh Trung Quốc “mũ ni che tai” đối với các nước láng giềng, cho dù rằng lời phát ngôn của phía Trung Quốc ở Thái Lan chỉ là từ các nhà quản lý thủy điện chứ không mang tính ngoại giao.

Trước hết, hãy bàn về phát ngôn rằng “Lưu lượng chảy của dòng Lan Thương khi ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc chỉ bằng 13,5% (hay 14%, 16% như một số nguồn tin khác nhau) lưu lượng dòng chảy vùng cửa sông Mê Kông. Đây là câu nói cửa miệng của các chính trị gia Trung Quốc trong suốt mấy năm qua, xét trong mối liên hệ với các vấn đề nảy sinh ở cuối vùng hạ lưu, đặc biệt là vùng cửa sông thì câu nói này cũng có giá trị nào đó. Chẳng hạn như việc Việt Nam phàn nàn rằng quá trình biển át quá trình sông. Vì phần lớn lượng nước sông Mê Kông ở dưới đó không bắt nguồn từ Trung Quốc nên Trung Quốc có cớ để chối lỗi.

Tuy nhiên, nếu so với phần lớn chiều dài sông còn lại ngoài biên giới Trung Quốc thì lưu lượng đổ ra từ Trung Quốc lại chiếm tỉ trọng lớn hơn rất nhiều. Chẳng hạn tại Luang Phrabang của Lào, nguồn nước từ Trung Quốc chiếm tới hai phần ba dòng chảy tự nhiên. Cho nên không thể nào phủ nhận mối liên hệ giữa những vấn đề phát sinh ở hạ nguồn với những gì đang diễn ra trên dòng Lan Thương.

Cơn lũ lớn ở thủ đô Viêng Chăn của Lào năm 2008 và hạn hán lịch sử xảy ra ở một số vùng trong năm qua đều diễn ra trên chính dòng sông, nơi hầu hết nguồn nước đổ ra từ Trung Quốc. Trong những trường hợp này, lời tuyên bố trên của Trung Quốc chẳng còn ý nghĩa.

Trên thực tế, hạn hán góp phần rất lớn vào sự hạ thấp mực nước, song với hàng loạt những con đập khổng lồ trên dòng Lan Thương, Trung Quốc lẽ ra nên cẩn trọng khi nói rằng sự biến động mực nước là hoàn toàn tự nhiên. “Diện tích hồ chứa nhỏ”, “lượng nước bốc hơi ít” và “thủy điện không tiêu tốn nước” rõ ràng chỉ là những lý lẽ đánh lận con đen.

Ảnh hưởng của hồ chứa thuỷ điện lên hạ lưu chẳng can hệ gì tới “tiêu tốn nước” hay “thoát hơi nước” cả, mà ở chỗ người ta tích và xả nước ra sao. Việc đóng và mở các cửa xả ảnh hưởng vô cùng lớn đối với dòng chảy sau đập. Nếu chẳng phải vậy thì sao lâu nay người ta vẫn nói rằng các hồ chứa có tác dụng ngăn lũ và cứu hạn.

Mức độ tác động phụ thuộc công suất hồ chứa. Vì vậy, chúng ta mới có thể nói rằng đập thủy điện có thể điều tiết dòng chảy sau đập theo thời điểm, thời đoạn. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn trong việc điều tiết nước sông Mê Kông.

Thực vậy, dù rằng so với lưu lượng dòng chảy lớn nhất vùng cửa sông, lưu lượng nơi con sông ra khỏi đất Trung Quốc chỉ chiếm có 14% nhưng có tới 70% công suất chứa của cả lưu vực Mê Kông lại nằm trên lãnh thổ Trung Quốc. Tới đây, khi con đập Nọa Trác Độ (đập lớn 9 cửa xả đang được xây dựng tại tỉnh Vân Nam) vận hành thì công suất này còn lên tới 90%. Và hơn thế, tất cả các hồ thủy điện của Trung Quốc đều nằm trên dòng chính, trong khi tại các quốc gia phía dưới đập thủy điện chỉ phát triển trên các nhánh sông.

Các chính trị gia của Trung Quốc nhất loạt nói rằng diện tích hồ chứa của các thủy điện Mạn Loan, Đại Chiếu Sơn và Cảnh Hồng nhỏ. Điều này có ý nghĩa gì, bởi tác động của hồ chứa phụ thuộc vào thể tích chứ đâu phải diện tích. Cả ba con đập này đều cao trên 100m, với sức chứa lần lượt xấp xỉ 920 triệu, 940 triệu và 1,4 tỉ m3 nước, nếu gộp lại thì cũng rộng bằng ba lần thể tích hồ Dianchi (hồ nước ngọt lớn nhất của tỉnh Vân Nam, nằm ở Tây Nam thành phố Côn Minh).

Người ta nói rằng các đập Mạn Loan và Đại Chiếu Sơn có thể điều tiết dòng chảy theo mùa, còn Cảnh Hồng có thể theo tháng (một số nguồn tin nói rằng theo mùa). Vì vậy, ít ra chúng cũng sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy hạ lưu theo mùa.

Trung Quốc có thể ngồi lại với các nước vùng hạ lưu để cùng phân tích xem liệu ảnh hưởng này là tích cực hay tiêu cực, nếu cứ một mực quả quyết rằng hồ thủy điện không ảnh hưởng gì và rồi bao biện bằng những lý lẽ về lượng nước bốc hơi như hiện nay thì Trung Quốc chỉ làm méo mó hình ảnh của mình.

Lâu nay các quan chức Trung Quốc vì lý do nào đó chỉ động chạm tới “ba hồ chứa” nói trên, trong khi chính báo chí trong nước vẫn ra rả nói đến hồ chứa thứ tư. Đó là hồ thủy điện Tiểu Loan, với sức chứa còn lớn hơn rất nhiều.

Tiểu Loan đã phát điện từ tháng 9 năm 2009. Với chiều cao trên 300 mét, đây là đập vòm cao nhất thế giới, công suất phát điện của nó chỉ thua kém mỗi đập Tam Hiệp, trong khi thể tích hồ chứa khoảng 14,6 hay 15,3 tỉ m3, nghĩa là gấp năm lần cả ba hồ kia cộng lại.

Nếu ngăn toàn bộ nước đổ vào các hồ chứa thủy điện này, có nghĩa chặn đứng hoàn toàn dòng chảy sông, thì cũng phải mất tới bốn tháng rưỡi để làm đầy chúng. Và lỡ ra trong một thời kỳ nào đó giữa mùa khô mực nước sông Mê Kông giảm xuống còn một nửa, nguyên việc xả nước các hồ chứa này cũng có thể duy trì dòng chảy sông ở mức bình thường suốt 10 tháng trời. Vậy, lẽ ra phải nói rằng tác động này là “rất đáng kể” mới phải.

Theo ngành thủy điện của Trung Quốc, đập Tiểu Loan có chế độ điều tiết dòng chảy theo năm và được coi là “cái van” điều chỉnh mực nước cho các trạm thủy điện phía dưới hoạt động quanh năm, trong số đó có thủy điện Cảnh Hồng nằm sát đường biên giới.

Cho dù vậy, các chính trị gia vẫn không thôi điệp khúc “không ảnh hưởng đáng kể”. Các quốc gia hạ nguồn nghi ngờ rằng Tiểu Loan vẫn đang tích nước bởi hồ chứa này quá lớn, và cũng mới chỉ vận hành từ tháng 9/2009.

Một trận khô hạn nặng vùng hạ lưu như đã xảy ra năm qua thậm chí có thể nghiêm trọng hơn chỉ bởi việc tích nước của một hồ thủy điện lớn trên thượng nguồn. Để xem liệu giả thiết này có đúng hay không, cần phải kiểm tra hồ chứa đó đã vận hành ra sao. Cãi chày cãi cối rằng “chẳng có ảnh hưởng gì” sẽ không thể khiến thiên hạ lọt tai.

Hơn nữa, ai cũng biết rằng Nọa Trát Độ là một con đập thậm chí còn khổng lồ hơn đã được khởi công từ 2006 và nước sông cũng đã bị chặn. Với sức chứa 23,7 tỉ m3, hồ nước này có thể điều tiết dòng chảy sông tới dăm ba năm chứ không ít. Không chỉ ở chỗ nó lớn hơn Tiểu Loan, Nọa Trát Độ còn nằm gần vùng biên giới hơn. Chừng nào nó tích nước, liệu Trung Quốc có còn tiếp tục ru láng giềng bằng bài ca “diện tích hồ chứa nhỏ”, “ít bốc hơi”, “không tốn nước”, “không ảnh hưởng” hay không?

4 con đập tại Vân Nam

Vị trí bốn con đập lớn đã xây dựng trên dòng Lan Thương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc (Nguồn: My.reset.jp)

Mâu thuẫn khó tránh

Hồ chứa lớn không ảnh hưởng đến hạ lưu, đó là điều không tưởng. Lẽ ra ở đây nên đặt ra câu hỏi: Tác động của hồ chứa ấy là gì, tích cực hay tiêu cực. Điều đó còn phụ thuộc vào việc người ta xây và đặc biệt là vận hành nó ra sao? Có nhiều cách vận hành một hồ chứa, nhưng diễn giải cho dễ hiểu thì có hai cách:

Cách thứ nhất là người ta điều tiết hồ chứa nhằm mục tiêu ngăn lũ và chống hạn, hay nói cách khác là điều tiết tích cực. Thường thì người ta xả hết nước trong hồ để tích nước vào mùa mưa, giảm đỉnh lũ cho vùng hạ lưu. Nước được tích tối đa cho tới cuối mùa mưa, sau đó xả dần trong suốt mùa khô để duy trì dòng chảy sông và xả cạn cho tới đầu mùa mưa năm sau. Việc điều tiết như vậy hạn chế bớt ảnh hưởng tiêu cực của lũ lụt và hạn hán, bất kể dòng chảy sông quanh năm ra sao, nhờ đó làm lợi cho vùng hạ lưu. Tuy nhiên, cách điều tiết này lại mâu thuẫn với nhu cầu phát điện và việc ngăn chặn tích tụ bồi lắng lòng hồ.

Cách thứ hai thì gần như hoàn toàn ngược lại: Người ta ngăn dòng nước sạch và xả dòng chảy có nhiều phù sa trầm tích. Nước trong mùa lũ thường có hàm hượng phù sa trầm tích cao hơn thông thường và những chất này thường nằm lắng dưới đáy hồ trong quá trình tích nước. Để giảm việc bồi lắng lòng hồ và đảm bảo công suất hồ chứa, người ta dễ chọn cách xả nước qua đập thay vì ngăn lại, cho tới khi nước trong hơn. Việc phát điện phụ thuộc vào hai yếu tố: mức độ dòng chảy và chiều cao của cột nước, vì vậy để duy trì phát điện người ta sẽ phải tích nước trong mùa khô.

Tuy nhiên, chính cách vận hành hồ chứa thứ hai này là điều mà các quốc gia láng giềng của Trung Quốc e ngại, nếu nó được khai thác triệt để thì lũ lụt hạn hán vùng hạ lưu sẽ càng thêm trầm trọng.

Cả hai công trình thủy điện khổng lồ Tam Hiệp và Tam Môn Hiệp của Trung Quốc đều điều tiết hồ chứa kiểu này và tự xưng đó là sự cải cách. Thực tế, cách điều tiết này rõ ràng phục vụ mục tiêu phát điện và duy trì công suất chứa của hồ, đi ngược với mục tiêu ngăn lũ chống hạn.

Tình trạng bồi lắng nghiêm trọng, đặc biệt là tại Tam Môn Hiệp, cũng là lý do quan trọng khiến người ta chọn cách thức điều tiết này. Mặc dù các chuyên gia cũng đã cố gắng hết sức để tìm ra phương thức tối ưu điều tiết dòng chảy để hài hoà các mục tiêu, nhưng cuối cùng thì chức năng cơ bản của hồ chứa như người ta đã vẽ ra ban đầu đều bị bóp méo, và ở Tam Môn Hiệp thì có thể nói đã bị từ bỏ.

Mối quan tâm của các nhà kinh doanh thủy điện và người dân vùng hạ lưu thường mâu thuẫn, cho nên cũng là điều dễ hiểu khi những nhà vận hành đập thuỷ điện trên sông Lan Thương và dân cư các nước vùng hạ lưu xuất phát từ những nhu cầu khác nhau.

Theo trích dẫn một tờ báo Trung Quốc, một quan chức Thái Lan đã xoa dịu những chỉ trích của dư luận trong nước đối với Trung Quốc bằng cách nói rằng “bởi vì các con đập của Trung Quốc không ngăn nước trong mùa khô cho nên mực nước sông giảm bất thường là do biến đổi khi hậu.”

Có lẽ bởi vị này đã không được biết rằng các đập thủy điện của Trung Quốc có làm điều đó. Việc các hồ chứa nói trên có tích nước mùa khô hay không cần được chính các nhà lãnh đạo của Trung Quốc giải trình. Công bằng mà nói, đây là vấn đề mà chính quyền Bắc Kinh cần làm rõ.

Nhưng thay vào đó, các quan chức của chúng ta vẫn chỉ quen nói “không ảnh hưởng” và “nước ít bốc hơi”.

(còn tiếp)